Suy Niệm Lời Chúa 2015


Mátthêu/Matthew 5:48; 10/21/15-10/28/15


Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

You therefore must be perfect, as your heavenly Father is perfect.

Trước đây, con cứ nghĩ sống hoàn thiện theo câu Lời Chúa này có nghĩa là sống không một tì ố, sống “vô nhiễm tội”.  Nhưng mới đây, một linh mục đã giải thích cho con ý nghĩa của “hoàn thiện giống Thiên Chúa” là “yêu thương và cùng bước đi với những người “không hoàn thiện” chung quanh ta” (“being perfect like God means to love and walk with those around you, who are imperfect”).  Khi vị linh mục nói vậy, con nghĩ ngay tới Chúa Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa Cha (Ga 14:9), Ngài đã chẳng ngại nhưng cùng bước đi với thật nhiều người bất hoàn hảo, và Ngài đã đến cho tất cả những ai bất hoàn hảo (Lc 5:32).

Con đã gẫm về sự hoàn hảo của Ngài, và so sánh với sự bất hoàn hảo nơi con/những tội lỗi nơi con người.  Con xin chia sẻ dưới đây:

Chúa Ta

Ngồi ăn với người tội lỗi/ với người “ăn cắp ăn chận” khi thâu thuế của dân (Mc 9:10-13) Ruở xả những kẻ lấy của ta, lợi dụng ta, mong sao cho chúng bị những gì chúng đã làm cho ta, hay bị gấp mười, gấp trăm lần như vậy

Chuyện trò với người hạ đẳng/tạp chủng Samaritan đã có thành tích không tốt (Ga 4:1-26) Càng “ông nọ bà kia” thì ta càng muốn tới gần, những người bị người khác khinh khi/bị tiếng xấu thì ta tránh xa, ta sợ “mang tiếng”

Đụng đến người phong cùi (Mc 1:40-45) Ai bị ho cảm, viêm gan, v.v. là ta liền đứng xa, chẳng dám bắt tay, chẳng dám ôm ấp.  Rước máu Chúa có khi ta cũng không dám... vì sợ bị nhiễm bịnh. 

 Không xét đoán khi người ấy đã phạm tội ngoại tình (Ga 8:1-11) Ta khinh bỉ, nói xấu, moi tội, lánh xa người đã phạm tội, nhưng chính ta lại đã phạm những tội còn tệ hơn trong tâm hồn, còn làm những chuyện xấu không ai biết

 Chúa vẫn làm điều tốt cho những người vong ơn, dù chỉ có một phần mười đáp ơn Chúa (Lc 17:11-19) Ta tốt bụng làm phúc, nhưng khi không được nhắc tới, không được lời “cám ơn” là ta còn lâu mới làm cho nữa!

Dẹp yên biển động, tăng thêm niềm tin cho sự yếu lòng tin của người khác (Mt 8:23-27) Ta nói lời bi quan, “đổ dầu vào lửa”, làm nổi giậy cuồng phong nhiều chuyện, oán giận, bực tức của người khác qua những “sóng miệng” của ta

Vừa buồn vì tin Gioan Tẩy Giả bị giết, vừa mệt vì đã chiều mà chưa ăn uống, nên muốn đi nghỉ ngơi, nhưng Ngài lại chạnh lòng thương mà chữa lành cũng như làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho dân ăn (Mt 14:13-21, Mc 6:30-44, Lc 9:10-17, Ga 6:1-13) Khi ta buồn, ta mỏi mệt rã rời, thì ta chẳng muốn nghe ai tâm sự, giúp ai; mà lắm khi còn cau có, thiếu kiên nhẫn, và la càn người khác nữa; thật phản ngược với tâm tình của Chúa Giêsu!

Chạnh lòng thương làm cho con trai bà goá sống lại dù bà không xin (Lc 7:11-17) Dù người khác xin, người khác nhờ những lúc họ cần ta nhất, ta vẫn ngoảnh mặt làm ngơ; ta nói với họ, hay tự nói hầu để lòng ta tin rằng ta bận, ta mệt, ta không có tài chánh để giúp đỡ

Cùng ăn chung bàn, cùng chấm chung chén, yêu cho đến cùng, yêu cho đến chết người mà Ngài biết sẽ bán Ngài, sẽ đưa Ngài tới thảm cảnh tử hình (Ga 13:21-30)

Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ ân huệ, để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa mà làm mọi việc thiện, theo như lời đã chép: Kẻ túng nghèo, Người rộng tay làm phúc; đức công chính của Người tồn tại muôn đời. (2 Cr. 9:8-9)

Nhưng những người cậy trông ĐỨC CHÚA thì được thêm sức mạnh.  Như thể chim bằng, họ tung cánh.  Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân. (Is. 40:31)

Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Li-băng được trồng nơi nhà CHÚA, mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta; già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn.  (Tv. 92:13-15)

Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước, cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh, cành lá chẳng khi nào tàn tạ. Người như thế làm chi cũng sẽ thành. (Tv. 1:3)

Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi.  Đừng nhớn nhác: Ta là Thiên Chúa của ngươi.  Ta cho ngươi vững mạnh, Ta lại còn trợ giúp với tay hữu toàn thắng của Ta. (Is. 41:10)

Khi ĐỨC CHÚA hài lòng về lối sống của ai Người khiến cả quân thù cũng làm hoà với kẻ ấy. (Cn. 16:7)

Tôi kêu cầu ĐỨC CHÚA, là Đấng xứng muôn lời ngợi khen, và tôi được cứu thoát khỏi quân thù. (2 Sam. 22:4)

Chúng ta biết rằng phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra, người đó không phạm tội; nhưng có Đấng Thiên Chúa đã sinh ra giữ gìn người ấy, và Ác thần không đụng đến người ấy được. (1 Ga. 5:18)

Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em. (1 Pr. 5:7)

Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.  (Rm. 8:38-39)

Romans 14:17-18 9/23/15-9/30/15

Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.  Ai phục vụ Đức Ki-tô như thế, thì đẹp lòng Thiên Chúa và được người ta quý trọng.
For the kingdom of God is not food and drink but righteousness and peace and joy in the Holy Spirit.   The one who thus serves Christ is acceptable to God and has human approval.
Chúa Giêsu nói, “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ thêm cho!” (Mt 6:33)  Và, 1 Côrintô 4:20 nói “Nước Thiên Chúa không cốt ở tài ăn nói, nhưng ở quyền năng.”  Lời Chúa ta gẫm tuần này nói đến Nước của Chúa thì có 1) sự công chính, 2) bình an, 3) hoan lạc, cộng với 4) quyền năng trong Thánh Thần. 
Sao ta chẳng thấy “Nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta” vậy?  Phải chăng vì ta đã sống lợi dụng, tham lam, tội lỗi, bất công, tkhông “trả cho Ceasar những gì thuộc của Ceasar”, lòng chúng ta luôn lo ăn mặc, xe cộ, nhà cửa, sắc đẹp, tâm chúng ta nghĩ tới những gì người khác đã xúc phạm ta, ta nhai đi nhai lại những cay đắng, tổn thương đó, nên ta chẳng có chút nào là “bình tâm”- làm sao mà có bình an và hoan lạc được!  Chúa Giêsu đã làm bao nhiêu điềm thiêng dấu lạ, hầu hết là chỉ do Lời Ngài phán ra; còn ta, Lời Chúa ta chẳng gẫm, Sách Thánh để đâu cũng chẳng nhớ (nhưng ta lại kè kè cái bóp đựng tiền của ta), nên sao ta biết Chúa nói và làm cách nào để ta noi theo. 
Nào anh em chẳng biết rằng những kẻ bất chính sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp sao? Anh em đừng lầm. Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, kê gian, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp. (1 Cr 6:9-10)
Ta đã sống theo 1 Côrintô 6:9-10 hay Rôma 14:17-18 và 1 Côrintô 4:20?  Nếu ta nói theo hai câu sau, thì ta có dám thực tâm quả quyết cách ta phục vụ tha nhân đã được “đẹp lòng Thiên Chúa và được người ta quý trọng” không?

1. 2 Vua 13:21   8/5/15-8/12/15

Có lần người ta đang đem một người chết đi chôn, thì thấy một toán quân của bọn đó, họ liền vất người chết vào mộ ông Êlisa, rồi bỏ đi. Người chết vừa đụng phải hài cốt của ông Êlisa thì sống lại và đứng thẳng dậy.

Once while some Israelites were burying a man, suddenly they saw a band of raiders; so they threw the man’s body into Elisha’s tomb. When the body touched Elisha’s bones, the man came to life and stood up on his feet.


Con muốn dùng câu Lời Chúa tuần này để nhắc tới thánh tích, nơi quyền năng Thiên Chúa dùng để ban ơn cho chúng ta. Thánh tích, tiếng Anh là relic(s), được “Từ Điển Công Giáo Anh-Việt” của Nguyễn Đình Diễn giải nghĩa là: “Vật có liên quan đến một vị thánh, như hài cốt, quần áo, vật dụng hoặc bất cứ thứ gì thánh nhân đã chạm đến.”

Ngoài câu Lời Chúa trên đây, ghi lại xương của Ngôn sứ Elisa làm sống lại người chết, thì Thánh Kinh từ Cựu Ước đến Tân Ước cũng ghi lại những ân huệ Chúa ban ở các nơi khác nữa, chẳng hạn như:

- 2 Vua 2:9-14 Elisha dùng áo choàng của Êlia mà rẽ nước sông Giođan ra làm hai bên.

- Mt. 9:20-22 Người đàn bà băng huyết sờ vào tua áo Chúa Giêsu và đã được khỏi.

- CVTĐ 5:15-16 Bóng của Ông Phêrô phủ lên những người ốm đau, những người bị thần ô uế ám thì tất cả được chữa lành.

- CVTĐ 19:11-12 Khăn áo đã chạm đến da thịt của Ông Phaolô đặt trên người bệnh là bệnh tật biến đi, và tà thần đã xuất.

Người Công Giáo chúng ta tôn kính (venerate) các thánh tích, chứ không tôn thờ (worship) chúng hoặc tôn thờ vị thánh nào (kể cả Đức Mẹ). Chúng ta chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi! Các thánh tích bản chất chúng không có quyền năng gì, nhưng chúng là phương tiện/hay máng chuyển quyền năng/ân sủng của Chúa xuống trên người nhận, qua lời ta xin vị thánh đó cầu bầu. Thánh tích nhắc chúng ta nhớ tới sự thánh thiện của vị thánh đó, người đã trung tín cộng tác với chương trình của Thiên Chúa và đã sống theo đường lối thánh thiện của Ngài. Thánh tích cũng giúp thúc đẩy chúng ta kêu cầu Chúa ban ơn để ta noi gương đời sống tốt lành của các ngài.

Thánh tích có ba loại chính hay được nêu lên và tôn kính, nhưng có những người cũng trân quý loại thứ tư. Giáo Hội cấm không được mua bán thánh tích hạng nhất và hạng nhì.

- Thánh tích hạng nhất (first class relic) – thi hài hoặc một phần thi hài của vị thánh

- Thánh tích hạng nhì (second class relic) – y phục hoặc vật dụng từ các thánh; khăn niệm lưu trữ xương các thánh lâu dài

- Thánh tích hạng ba (third class relic) – đồ vật chạm đến thánh tích hạng nhất; chạm đến mồ hoặc chạm đến thi hài của vị thánh (thường thì những mẫu ảnh chúng ta mua có miếng vải tròn kèm theo là hạng ba)

- Thánh tích hạng bốn (fourth class relic) – đồ vật chạm đến thánh tích hạng nhì

Chúng ta biết Lời Chúa ghi lại cả ma quỷ và bệnh hoạn đều đi hết qua sự đụng chạm đến thánh tích, hy vọng chúng ta cũng có tấm lòng trân quý các di vật của các thánh nhân, và biết xin các Ngài cầu bầu khi được chiêm ngưỡng hay chạm đến các thánh tích của những vị đáng kính trong Giáo Hội chúng ta! Con có một vài thánh tích được tôn kính tại nhà, ai có nhu cần xin mời tới nhà con để đụng chạm tới các thánh tích hầu xin các ngài cầu bầu với Chúa chữa lành giải thoát cho ta.

2 Timothê/Timothy 4:7-8  7/1/15-7/8/15


Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.
I have fought the good fight, I have finished the race, I have kept the faith.  Henceforth there is laid up for me the crown of righteousness, which the Lord, the righteous judge, will award to me on that Day, and not only to me but also to all who have loved his appearing.

Nếu chết bây giờ, thì ta có chắc chắn sẽ được vào Thiên Đàng ngay không? Nếu ta thực sự sống kết hợp với Chúa Kitô như Thánh Phaolô, “tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi,” (Galát 3:20), thì tất nhiên là lòng ta trong sạch và ta sẽ nhận ra đâu là ý Chúa để biết được ta sẽ về đâu.

Thánh Phaolô đã hết mình vì Chúa trong công việc rao giảng Tin Mừng, và đã chịu biết bao sự khó vì Nước Trời. Chúng ta hãy coi lại một số điều Thánh Phaolô đã trải qua được ghi lại ở 2 Corintô 11:24-29 nhé:

5 lần bị người Do-thái đánh 40 roi bớt một
3 lần bị đánh đòn
1 lần bị ném đá
3 lần bị đắm tàu
1 đêm 1 ngày lênh đênh giữa biển khơi
phải thực hiện nhiều cuộc hành trình
gặp bao nguy hiểm:
trên sông
do trộm cướp
do đồng bào
vì dân ngoại

1. 2 Côrintô/Corinthians 8:14 6/10/15-6/17/15

Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu, như thế, sẽ có sự đồng đều.
At this present time your abundance being a supply for their need, so that their abundance also may become a supply for your need, that there may be equality.
Lời Chúa nói “không phải Ngài bắt ta sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ, nhưng cần thiết là phải có sự đồng đều” (2 Cr 8:13).  Ta cho, Chúa sẽ cho thêm, và ban phúc lộc dồi dào tới đời con cháu.  Một cô kể rằng bà ngoại của cô đã làm phúc, giúp cả một làng, nhưng gia đình con cháu không biết gì hết cho tới khi đám tang của bà những người đó mới xuất hiện, kể ra điều phúc đức bà đã làm.  Cô ấy cũng theo gót của bà, hay giúp người; khi gặp khó khăn, cô luôn được có người cho tiền hay giúp đúng lúc.  Con cháu cô làm ăn nên và ra đời cũng được người khác cố vấn, giúp đỡ. Chính bản thân con cũng vậy, hồi độc thân, lúc con đi làm part time, con giữ đủ tiền chi phí hằng ngày, còn lại con xin lễ cho các linh hồn hết.  Sau khi lấy chồng, nghỉ việc, dọn về San Diego không có tiền/việc, tự nhiên có người giúp cho con tiền đi học nghề mới, và cho con có công việc làm; khi chồng con thất nghiệp lo không đủ tiền chi tiêu, thì lại được người đó cho thêm để trả tiền nhà.
Thiên Chúa thật không quên lời nói của Ngài rằng mỗi lần ta làm phước cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ngài, là ta đã làm cho chính Ngài vậy (Mt 25:40).  Lời hứa của Ngài là “Người hào phóng lại được thêm giàu có, kẻ hà tiện lại lâm cảnh túng nghèo.  Người rộng lượng được phương phi béo tốt, chính kẻ cho uống lại được uống thoả thuê.” (Cn 11:24-25) Khi ta “Thương xót kẻ khó nghèo là cho Đức Chúa vay mượn, Người sẽ đáp trả xứng việc đã làm.” (Cn 19:17) Và Ngài nói, “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em.” (Lc 6:38)

Con thấy rằng khi con làm full time, có việc tốt, tiền nhiều hơn thuở độc thân thì con lại cho ít đi, tích trữ nhiều hơn, không dễ như thuở trước để cho những gì mình có đó.  “Tôi phải lo cho gia đình tôi trước đã, xong rồi còn dư tôi mới giúp được.”  Con nghe có người nói câu này thấy cũng có lý, nên gẫm về nó, và hỏi Chúa là như vậy được không?  Và đây là điều con có được khi suy gẫm, chẳng biết có phải từ Chúa không, nhưng con xin chia sẻ nhé.  Khi con hỏi Chúa thì trong tư tưởng thấy hình ảnh một gia đình đang ăn cơm chung, có người nghèo đói tới xin miếng cơm, nhưng chủ nhà nói, để gia đình ăn xong đã, còn cơm thừa thì mới cho người nghèo đói này.  Rồi một tư tưởng lại tới là có anh chàng muốn đi tu, nhưng giờ sẽ chưa đi vì còn phải chăm sóc cha mẹ tới khi chết mới thôi.  Và rồi con nghe trong đầu con có câu hỏi là con muốn cho người khác cơm thừa cơm nguội của con, hay con muốn chia sớt với họ chén cơm nóng ngon bằng cách bớt ăn lại một chút?  Cho người, cho Chúa, lắm lúc phải có hy sinh...hy sinh tiền, hy sinh thời giờ, hy sinh sự nghỉ ngơi, hy sinh thời gian với gia đình, v.v!  Nhưng hy sinh mấy cũng chẳng bằng Đấng đã vì ta cho luôn Con Một Ngài, và đã vì ta cho hết hơi thở, giọt máu cuối cùng!  Con xin Chúa ban cho con có lại được sự rộng lượng của thuở độc thân, hầu để có thể vui vẻ, dễ dàng giúp người khác hơn.

Xin Chúa giúp con có tâm hồn quảng đại của Chúa, để con cho người, dâng Chúa những gì tốt lành mình có, chứ không chỉ cho đi của dư, của thừa mà thôi.  Amen.

1. 1 Côrintô/1 Corinthians 14:5  5/20/15-5/27/15

Tôi muốn cho tất cả anh em nói các tiếng lạ, và nhất là tôi muốn cho anh em nói tiên tri. Người nói tiên tri thì cao trọng hơn người nói các tiếng lạ, trừ phi người này giải thích để xây dựng Hội Thánh.
I would like all of you to speak in tongues, but even more to prophesy. One who prophesies is greater than one who speaks in tongues, unless someone interprets, so that the church may be built up.
Tại sao Phaolô lại muốn chúng ta xin ơn tiên tri hơn là ơn tiếng lạ?
Vì ơn tiên tri thì xây dựng Hội Thánh, nó cho cộng đồng, còn tiếng lạ thì chỉ cho cá nhân, nhưng nó rất cần.  Xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô là chính  - làm trọn điều Chúa dạy là “yêu thương anh em”.  Ví dụ, một người thông hiểu giáo lý Chúa nhưng không dạy con cái, không phục vụ hoặc giúp người khác biết về Chúa thì đâu có tốt mấy, vì người ấy không giúp phần xây dựng Giáo Hội Chúa.
Con muốn chia sẻ với mọi người một phần từ những ghi chép của con về đặc sủng tiếng lạ dưới đây, hy vọng sẽ giúp chúng ta để tâm hơn tới tiếng lạ.  Trong bài hát “Old Time Religion” có câu con thích “It was good for Paul and Silas, it's good enough for me”, mà con muốn mượn để dựa vào đó nói rằng “nếu tiếng lạ tốt cho Thánh Phaolô, thì nó cũng tốt cho con/chúng ta.” 
Đặc sủng tiếng lạ là gì?
1. đặc sủng tiếng lạ là ơn/món quà Chúa ban (không phải vì ta tốt hay ngoan mà được), để: cầu nguyện hoặc nói một ngôn ngữ mà chính người nói không hiểu
2. nó là dấu chỉ bề ngoài rằng lời Chúa Giêsu hứa ban Chúa Thánh Thần (CTT) được thực hiện
3. là một trong 5 dấu lạ cho những ai có lòng tin, như được nhắc tới trong tin Mừng Máccô 16:17-18 (sẽ (1) trừ được quỷ, sẽ (2) nói được những tiếng mới lạ, (3) cầm được rắn, và (4) dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và (5) nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ. 
4. khi ta nói một ngôn ngữ mà mình hiểu thì ta dùng 3 năng lực: ý chí (will), năng lực hiểu biết (intellect), và năng lực nói (speech) - thanh quản, môi, lưỡi, v.v., nhưng khi ta dùng tiếng lạ thì ta chỉ dùng (i) ý chí và (ii) năng lực nói thôi
5. mọi người đã được rửa tội có thể có được đặc sủng tiếng lạ
6. có hai cách áp dụng ơn tiếng lạ:  cầu nguyện/hát và nói tiếng lạ 
 Cầu nguyện/hát tiếng lạ & lý do/lợi ích
1. là ơn cá nhân dành riêng để chúng ta sử dụng cho việc xây dựng bản thân mình (1 Cor 14:4), giúp ta lớn lên trong đời sống tâm linh 1 Cor 14:4 (Kẻ nói tiếng lạ thì tự xây dựng chính mình; người nói tiên tri thì xây dựng Hội Thánh.)

2. cầu nguyện tiếng lạ giúp ta cầu theo thánh ý Thiên Chúa, để ta cầu nguyện với Thiên Chúa bằng chính Thần Khí của Ngài, bằng chính CTT cầu nguyện qua ta, như được nhắc tới ở Rôma 8:26-27 (Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.27 Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.)

3. chúng ta nói với Chúa và nói những điều nhiệm mầu 1 Cor 14:2 (Thật vậy, kẻ nói tiếng lạ thì không nói với người ta, nhưng là nói với Thiên Chúa, bởi vì chẳng ai hiểu được: nhờ Thần Khí, kẻ ấy nói ra những điều nhiệm mầu.)
4. tiếng lạ là sự biểu hiện rõ rệt CTT đang làm việc nơi ta, để ý thức được Ngài đang ngự trị trong ta (1 Cor 6:19 – thân xác là đền thờ CTT)
5. là dấu bề ngoài của người đã được phép dìm trong CTT, nó thường bắt đầu khi một người mới bước vào cuộc sống thật sự với CTT
6. là cách cầu nguyện dễ nhất vì không cần dùng đến lý trí vì khi cầu/hát tiếng lạ thì tâm trí/ký ức không hoạt động
7. bỏ đi ngôn ngữ thường dùng, trở nên như trẻ nhỏ - cầu nguyện bằng trái tim chứ không phải bằng lý trí
8. thường dùng để chúc tụng và tạ ơn
9. càng cầu nhiều thì tiếng lạ càng dễ đổi qua thành bài hát
10. là một cách thờ phượng và chúc tụng Chúa mà có thể giúp chúng ta cảm nhận hơn sự gắn bó của ta và sự hiện diện của Chúa
11. giúp ta cầu nguyện luôn (1 Thes 5:17 cầu nguyện luôn mãi) - cầu riết rồi cũng hết lời vì ngôn ngữ có giới hạn, nên tiếng lạ giúp ta cầu nguyện luôn
12. giúp ta cầu nguyện tha thiết hơn
13. giúp ta mở lòng để nói chuyện với Chúa dễ dàng hơn
14. giúp ta khao khát đến với các bí tích của Giáo Hội hơn
15. để cầu thay nguyện giúp – không biết người đó cầu điều gì, hoặc có điều khó nói
16. để lòng tràn đầy bình an – khi gặp khó khăn, mất bình an thì cầu bằng tiếng lạ
17. vũ khí rất hiệu lực chống lại satan, khi bị cám dỗ với những tư tưởng hận thù, không trong sạch, thiếu yêu thương, v.v.
18. cửa mở tới các đặc sủng khác, cho ta có thêm năng lực của CTT: nhận được sự chữa lành dễ hơn, lời tiên tri/trí tri/khôn ngoan, v.v., dễ tới hơn
19. mọi người có thể có được ơn này, qua sự giúp đỡ của những người đã vững qua lời mồi/chuyển giao (yielding words)
20. mới được ơn cầu nguyện tiếng lạ thì được ít chữ, lập đi lập lại nhiều lần, thường là những lời tạ ơn
21. tự nhiên lời không tuôn ra khỏi miệng ta, cần có ta cộng tác bằng cách mở miệng phát âm
22. không cần ơn giải thích tiếng lạ khi cầu nguyện hay hát tiếng lạ
23. có lúc Chúa cho cả nhóm hát tiếng lạ và âm thanh hòa đồng với nhau, và người ta cũng ngưng cùng một lúc – nhóm hiệp nhất thì tiếng lạ như một ban nhạc hòa tấu, có trầm có bổng, có âm thanh khác nhau, nhưng phát ra một bài nhạc hay
Nói tiếng lạ & lý do/lợi ích

1. không cho hết mọi người - Chúa ban ơn này khi nào Chúa muốn dùng ta; thường sẽ có người được ơn giải thích tiếng lạ sau đó
2. để xây dựng Giáo Hội
3. ơn nói tiếng lạ khơi dậy đặc sủng giải thích tiếng lạ - nói tiếng lạ giúp mở ra điều Chúa muốn nói với dân Chúa qua ơn diễn giải tiếng lạ hoặc ơn tiên tri
4. ơn nói tiếng lạ khơi dậy sự mong đợi thông điệp của Chúa, nhiều khi chúng ta không biết rằng Chúa đã cho lời tiên tri rồi
5. khi có người nói tiếng lạ thì người đang nói và những người khác nên xin để được ơn giải thích tiếng lạ
6. tương đương với ơn tiên tri khi được giải thích - để xây dựng, khích lệ, an ủi
7. thường thì người được ơn này đã vững/trưởng thành trong Chúa Thánh Thần; nhưng đường hướng Chúa không ai hiểu được, có thể cho người vừa được “nhận chìm/gìm trong CTT” đặc sủng này
8. có thể làm cho người ta hoang mang nếu không dùng đúng, ví dụ: tiếng lạ chúc tụng tưởng rằng nói tiếng lạ
9. cần được dùng trong trật tự – không nên nói tiếng lạ khi đang hát, đang đọc/chia sẻ Lời Chúa, hay khi có người đang nói
10. ơn tiếng lạ không phải từ Thiên Chúa thì (a) lộn xộn, (b) thiếu trật tự, (c) phát ra không đúng lúc, (d) mạnh mẽ và (e) gây chia trí cho nhiều người; có lắm khi phát xuất từ ma qủy.

1. Rôma/Romans 8:26-27 5/13/15-5/20/15

Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.
Likewise the Spirit helps us in our weakness; for we do not know how to pray as we ought, but that very Spirit intercedes with sighs too deep for words.  And God, who searches the heart, knows what is the mind of the Spirit, because the Spirit intercedes for the saints according to the will of God.
Có những lúc ta vui sướng, ta buột ra những tiếng “a a a…”, “ô ô ô…” chẳng có nghĩa gì cả, nhưng người đứng gần bên trông thấy và nhận ra ngay được niềm vui ta tràn đầy thế nào.  Cũng như những lúc ta khóc nức nở, thì tiếng rên của ta làm người nghe cũng cảm nhận được phần nào nỗi xót ruột của ta.  Ta ở gần con người, nên phần nào cũng biết được ý người; và nếu ta ở gần một con thú ta nuôi, ta cũng sẽ biết nó muốn gì khi nó cựa quậy, kêu rên, dù ta chẳng biết ngôn ngữ của con thú đó.

Chúa Thánh Thần của chúng ta ở ngay cung lòng Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa, tất nhiên Ngài biết bản thân Ngài nghĩ gì rồi!  Và, Ngài cũng ở ngay cung lòng ta, nên Ngài cũng biết tâm tư ta.  Vậy, sao ta lại không dùng chính ngôn ngữ của Ngài nói với Ngài nhỉ?  Ta thích và luôn nói ngôn ngữ của ta, nhưng sao ta không làm Chúa vui mà có những lúc dung tiếng lạ, nói ngôn ngữ của Ngài chứ?  Lấy đâu ra đủ lời tốt lành mà tán dương Đấng Cực Thánh?  Theo con nghĩ, chỉ có lời Ngài linh ứng mới đủ để làm thỏa tâm tư của Ngài.  Timothy muốn mẹ mua cho con chim canary, và mẹ dạy bé nói: “Mẹ ơi con muốn con chim hoàng oanh.”  Bé lập lại điều con dạy bé nói, dù bé không hiểu gì cả, nhưng con rất vui khi nghe con trai mình lập lại lời con dạy đó; tất nhiên là con mua hoàng oanh cho bé rồi, không những một, mà là hai con.  Ái nghe John nói tiếng Anh suốt ngày, giờ mà nghe anh ấy nói được một câu tiếng Việt (dù lập lại như con vẹt), tự nhiên lòng Ái cũng sẽ vui hẳn ra.  Phải chăng Chúa của chúng ta cũng vui khi ta lập lại ngôn ngữ của Ngài – khi ta vâng theo ý Ngài.  Nếu tiếng lạ không quan trọng thì Thánh Phaolô đã chẳng dành cả một chương 1 Côrintô 14 mà nói về “ngôn ngữ của Thánh Thần” này.  Nếu ta nghĩ “tình yêu” là quan trọng, thì thật đúng, Thánh Phaolô đã dùng một chương 1 Côrintô 13 để nói về nó.  Còn tiếng lạ ở ngay chương sau đó thì có quan trọng không?  Con mời mọi người đi hỏi Chúa Thánh Thần về vấn đề này nhé! 
Lời Chúa ở 1 Côrintô 14:2 nói “Thật vậy, kẻ nói tiếng lạ thì không nói với người ta, nhưng là nói với Thiên Chúa, bởi vì chẳng ai hiểu được: nhờ Thần Khí, kẻ ấy nói ra những điều nhiệm mầu.”  Thật là những lời nhiệm mầu và thấu suốt tâm tư!  Con chia sẻ câu chuyện dưới đây về kinh nghiệm của con với tiếng lạ để thấy Chúa vạch ra tâm tư một người qua tiếng lạ.

Có một chú tới nhờ con cầu nguyện hồi con ở Orange County.  Con hỏi cầu về ý chỉ gì thì chú nói cầu cho thể xác.  Con chỉ biết đặt tay lên chú và cầu bằng tiếng lạ.  Khi cầu nguyện, con cảm nhận là chú cần cầu nguyện về tinh thần, con nêu lên với chú và chú ấy đã gật đầu.  Mỗi lần con cảm nhận và hỏi chú đều gật đầu.  Con hỏi tinh thần của cá nhân chú hay liên quan tới người khác?  Chú nói liên quan đến con cái – con cái làm chú buồn lòng.  Con tiếp tục cầu tiếng lạ và thấy hình ảnh ngày chú đeo nhẫn cưới cho vợ, nên thưa với chú rằng con cảm thấy không phải con cái mà là vợ làm chú buồn rầu, chú ấy đã gật đầu.  Con càng cầu tiếng lạ thì âm thanh nghe thật ai oán, và lòng con lúc ấy thấy quá buồn, đến độ con đang quỳ đã khuỵ xuống.  Rồi Chúa cho con giải thích tiếng lạ “nam mô a di đà, nam mô a di đà...”  Con thấy lạ quá nên thưa với Chúa rằng con đang chúc tụng Chúa, chứ đâu có tụng Phật mà ra âm thanh kỳ vậy.  Như thế nghĩa là gì?  Chúa soi vào lòng con rằng chuyện làm chú ấy và Chúa buồn có liên quan tới Phật.  Con nói những điều này với chú và chú đã gật đầu đồng ý.  Khi cầu nguyện xong thì con được nghe biết chuyện rằng chú này lấy cô vợ đạo Phật, nhưng khi cưới cô theo đạo Công Giáo.  Sau đó cô lại trở về theo Phật.  Cô vợ bị bệnh liệt giường, nhờ nhóm CTĐS tới cầu nguyện, cô đã đi lại được. 

Nhưng sau khi lành bệnh, cô lại trở về theo Phật nữa, thế là lại liệt giường tiếp.  Những người CTĐS nói nếu cô không bỏ Phật để thật sự theo Chúa thì có cầu cũng vô ích, và họ đã không tiếp tục.  Cô vợ và mẹ vợ đã rước thầy về ở trong nhà thường xuyên tụng Phật, “nam mô a di đà…”, trong nhà.  Cho nên, điều này đã làm chú kia và Chúa rất buồn.

Thưa các cô chú bác, anh chị, nếu không cầu tiếng lạ, chắc có lẽ con đã không biết rõ nỗi lòng chú kia mà cầu nguyện cho điều chú ấy thực sự cần.  Chúa của chúng ta thích chữa trước là tâm linh, sau đến tinh thần tình cảm, rồi mới đến thể xác – vì những điều nêu trước quan trọng hơn cho đời sống chúng ta.  Chúa đã muốn chữa lành chú và cô vợ về vấn đề tâm linh và tình cảm trước khi chữa lành thể xác. Tiếng lạ quan trọng lắm và cần nhiều thời gian chia sẻ.  Con nêu lên câu chuyện trên mong sao mọi người sẽ thấy được rằng nếu ta để Thánh Thần Chúa hướng dẫn, thì ta sẽ “bắt được đúng đài” và sẽ cầu theo đúng ý nhân lành, hoàn hảo của Thiên Chúa chúng ta.
Cầu chúc mọi người được tăng trưởng trong đặc sủng tiếng lạ, được có những ngôn ngữ mới, và những bài “thánh ca do Thần Khí linh hứng” (Êphêsô 5:19) mới, để tôn vinh Thiên Chúa là Cha chúng ta!

Mátthêu/Matthew 18:32-33; 4/29/15-5/6/15


Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?

You wicked slave! I forgave you all that debt because you pleaded with me.  Should you not have had mercy on your fellow slave, as I had mercy on you?


Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Luca 23:34).  Chúa cầu, Chúa tha thế đấy – tha khi thân xác rã rời, tha khi thân xác hết hơi, hết máu, còn ta thì sao?

Con chứng kiến khi cầu nguyện chữa lành nhiều người được hỏi có sẵn sàng tha thứ cho hết những ai đã làm tổn thương họ, từ nhỏ đến hiện giờ, thì hầu như ai cũng nói sẵn sàng, nhưng khi người đó mắt thấy hay cầu nguyện cho một người khác có hoàn cảnh tương tự mình từng trải thì than ôi, sao nó khó tha làm vậy!  Tim họ thắt lại, thở không ra hơi, và giận lắm, giận tới muốn đánh, muốn chửi, muốn rủa người đã làm tổn thương mình.  Mà cái oái ăm là người làm mình tổn thương lại là người thân nhất của mình, như cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, v.v. mới khó chứ!  Nói tha thì dễ, còn làm lại khó!

Theo con, sự không tha thứ như một viên đạn nằm yên ở trong thân xác ta, không đụng trúng chỗ nó đâu có đau, nhưng nhấn đúng nơi thì thật là nhói ơi là nhói.  Vậy, ta hãy can đảm cho phép Chúa mổ xẻ ta ra, để Ngài lấy nguồn gốc của vết nhói, sau đó ta không bao giờ còn đau nữa.  Nhưng con xin nhắc nhé, khi đang trên bàn mổ thì sẽ có những “bầy hầy”, khó chịu hơn trước khi ta được mổ ra đó, và ta chắc sẽ la ó, và nói “thà đừng đụng tới, cứ để vậy thì hơn”.  Vì thế, ta nên xin ơn thánh trợ giúp trong lúc Chúa “giải phẫu” cho ta.

Con xin đề nghị rằng mỗi người chúng ta nên đi ngược lại cuộc đời từ khi có trí khôn và dừng lại những nơi mình bị tổn thương hay bị ức hiếp nặng, và luôn xin ơn can đảm của Chúa để đối diện vấn đề đó, hầu ta nhìn rõ lòng ta coi có còn hận thù, không tha thứ, hay/và tổn thương từ những thảm cảnh đó không.  Nếu còn, ta hãy xin ơn Chúa giúp ta tha thứ cho người đã xúc phạm tới ta, xin Chúa chữa lành ta, và đổ đầy trên ta hồng ân ngược lại sự đau thương đó, hầu ta được hoàn toàn chữa lành.  Và, xin Chúa tẩy luôn ký ức đau buồn đó bằng Máu Thánh Ngài, để “bộ phim xấu” đó không còn chiếu lại trong trí ta nữa mà làm ta đau nhói, khóc than một lần nữa.   Một cách để biết mình đã không còn giận hờn và tổn thương là khi nghĩ tới điều đau khổ đó, ta thấy bình thường như nhìn vào vết sẹo nơi viên đạn đã từng được mổ xẻ, lấy ra khi nào.  Quên không có nghĩa đã tha, nên ta hẵy đo lường cho biết.

Tha thứ là một ân huệ Chúa ban!  Ta cần van nài Ngài ban cho ta ơn này.  Không có Ngài, ta chẳng tha được đâu (Gioan 15:5)…dù là sự xúc phạm nhỏ nhoi nhất!   
 
 

No comments:

Post a Comment