Chúa Nhật 04-10: Mát-thêu 21, 33-43 - Dụ ngôn "Những tá điền bất nhân”

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: "Các ông hãy nghe dụ ngôn này: 


Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh, đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Đến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi.

Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy.

Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: 'Đứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó'.

Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào?" Các ông trả lời, "Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó, và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi".

Chúa Giêsu phán: "Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh: 'Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc.

Đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta!' Bởi vậy, Tôi bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái"..


Đó là lời Chúa.

Suy Niệm:

Chúng ta thường nói:

“Ban ơn là bệnh của Trời.
Vô ơn là bệnh con người chúng ta.”


Ngày nay người ta rất sợ căn bệnh thời đại này. Căn bệnh mà hiện nay thường bị phê phán với những câu đau đớn nhất: “Ăn cháo đá bát” hay: “Qua cầu rút ván” để chỉ những người nhận ơn rồi quay lưng lại với những người thi ân. Cái kiểu khi cần thì van lạy nhưng khi đã đạt được mục đích thì cao bay xa chạy mà dân gian gọi là: “Được cá quên nơm”- “ Ăn mít bỏ xơ, ăn cá bỏ lờ” hay câu” có trăng phụ đèn”… nghĩa là kẻ nhận ơn không lưu tâm đến sự cố gắng, công sức và tâm huyết của người giúp đỡ nhưng chỉ nghĩ đến bản thân và món quà được nhận.

Cuộc sống là một chuỗi những ân huệ nối tiếp nhau, đan xen nhau. Nhưng tất cả đều từ Thiên Chúa như Thánh Phao-lô nói: “Có điều gì bạn có mà không do nhận lãnh chăng? Nếu bạn đã nhận lãnh, thì sao còn khoe khoang như chưa từng nhận lãnh?” (1Cr 4,7). Nếu cuộc sống là những ân huệ được lãnh nhận nhưng không từ Thiên Chúa thì tại sao đời sống chúng ta không biết nói lời “tạ ơn” với Thiên Chúa.

Cũng trong tâm tình đó, hôm nay chúng ta đọc bài Tin Mừng Chúa Giê-su nói về dụ ngôn” Những tá điền bất nhân”. Trước khi đi xa, ông chủ đã trao vườn nho của ông cho những tá điền mà ông tin tưởng yêu thương để thay ông chăm bón và thu huê lợi. Ông tin tưởng họ sẽ không phụ lòng ông, sẽ biết ơn ông vô cùng, vì nhờ ông, họ mới có công ăn việc làm đều đặn và kiếm được cơm no áo ấm cho gia đình. Nhưng điều không ngờ đã xảy đến cho ông cách nghiệt ngã là khi đến thời thu hoạch, bọn tá điền đó đã giết tất cả những người thợ mà ông sai đến. Ông bị những người thợ đầu tiên chiếm đoạt hoa lợi của vườn nho, nên ông quyết định sai những tôi tớ khác đến để làm sinh lợi. Nhưng những thợ vườn nho đã đối xử tàn ác với những người được sai và ném họ ra ngoài. Nguyên do của nỗi bất hạnh này đã được vạch trần. Vườn nho đã bị các thợ xấu quản cai…

Qua dụ ngôn này chúng ta thấy ông chủ và bọn tá điền đều bất bình thường. Bọn tá điền đã không nộp hoa lợi cho ông chủ lại còn đánh đòn, giết chết và ném đá những người được sai đến. Rồi chẳng những hành hạ và giết hại nhóm thứ nhất mà còn thực hiện sự độc ác ấy với cả nhóm thứ hai; đến khi con trai của ông chủ đến họ cũng chẳng tha. Rõ ràng Chúa Giê-su muốn cho thính giả của Ngài cảm nghiệm sâu xa sự vô ơn và độc ác bất bình thường của bọn tá điền. Đối lại là sự kiên nhẫn và nhân hậu của ông chủ làm nổi bật sự tàn ác của bọn tá điền.

Về phần ông chủ, khi không được thu hoa lợi, ông đã không đuổi họ đi ngay mà còn tiếp tục sai người đến. Nhóm thứ nhất bị đánh đòn, bị giết chết, bị ném đá cũng chẳng thấy ông nói gì. Điều này làm chúng ta kinh ngạc. Lần thứ hai cũng diễn ra như thế, ông chủ vẫn im lặng. Ông lại tiếp tục sai con trai ông đến và chính con trai của ông cũng bị giết chết.

Điều mà ta coi là bất bình thường này lại đã thường xảy ra trong lịch sử dân Do Thái. Người Do Thái đã hành hạ các ngôn sứ, ném đá và giết các Ngài. Họ đã không phải ngược đãi các Ngài một lần mà nhiều lần.

Chúa Giê-su kể ra hai bọn tôi tớ có liên hệ đến việc người Do Thái chia các ngôn sứ thành các ngôn sứ tiền và các ngôn sứ hậu nghĩa là Chúa muốn ám chỉ đến việc người Do Thái đã hành hạ giết chết cả hai. Sau cùng họ giết chính Con Yêu Dấu của Cha.

Dụ ngôn cho chúng ta biết sự khốn nạn bất bình thường của những tá điền, nhưng Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn và khoan hậu với họ.

Dụ ngôn này rất cảm động, Chúa Giê-su tóm tắt nó trong hình ảnh của lịch sử cứu độ. Thiên Chúa bằng mọi giá muốn cứu độ con người. Trước khi sai Con Người đến, Ngài đã sai các ngôn sứ đến để đồng hành và dạy dỗ, nhưng dân đã vô ơn giết những người được sai đến với họ. Nhưng Thiên Chúa vẫn tôn trọng sự tự do của họ. Ngài không ép họ suy phục hay kính trọng những người Ngài sai đến. Ngài cho họ tự do lựa chọn giữa điều thiện và điều ác, giữa việc đón nhận hay khai trừ các ngôn sứ của Ngài. Nhưng việc từ chối này đã làm cho Ngài vô cùng đau khổ vì Ngài yêu thương con người. Trong Tin mừng Ngài đã phải thổn thức trước sự bạc bẽo vô ơn này:

“Hỡi Jerusalem phải chi hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi. Nhưng hiện giờ điều ấy còn bị che khuất; mắt ngươi không thấy được” (Lc 19,42). 

Tuy thế, nhưng Ngài không bỏ. Ngài yêu Jerusalem và Ngài đã có sáng kiến không phải dùng sức mạnh của tâm lý để lôi kéo nhưng bằng sự kiên nhẫn và yêu thương để thuyết phục sự vô ơn này. Nhưng nếu họ vẫn khăng khăng từ chối thì Ngài đành chấp nhận một phương pháp đau lòng khác là điều mà dân này từ chối sẽ bị lấy đi và ban cho một dân tộc khác: 

“Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (Mt 21,43)

Những gì làng này từ chối thì sẽ được ban cho làng khác: “Nếu ở đó có ai đáng hưởng sự bình an thì bình an của anh em sẽ đến đậu trên họ; bằng không thì sự bình an đó sẽ quay về với anh em (Lc 10,6); điều mà người này từ chối sẽ được ban cho người khác. Thiên Chúa kiên nhẫn thi ân, Ngài không muốn cho ai phải hư đi nhưng muốn cho mọi người thống hối để được sống như Thánh Phê-rô quả quyết: Ngài, Thiên Chúa, không chậm trễ thực hiện lời hứa như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực,

“Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2Pr 3,9). 

Chúa Giê-su sẽ đi tới cùng tình yêu không đong đếm này.

Chúng ta đã biết rõ câu chuyện của Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, Người được sai đến vườn nho của Cha và đã bị những thợ vườn nho giết chết. Nguyên do cái chết của Chúa Giê-su là sự ác tâm vô ơn của con người: Sự ghen ghét của các người cầm đầu dân, sự phản bội của môn đệ, sự hèn nhát của Philatô, sự bất chính của những người chủ chốt trong cuộc tử nạn và cuối cùng của sự phản bội vô ơn của dân chúng đã từng được ăn bánh phép lạ, được chữa lành, được xua trừ ma quỉ.

Cái chết của Chúa Giê-su là cái giá phải trả cho tất cả nhân loại tội lỗi của chúng ta. Chúa Cha đã dám hi sinh Con Mình cho sự độc ác vô ơn của chúng ta. Ngài đã đi tới cùng của đòi hỏi tình yêu.

Thập giá bộc lộ tội lỗi của con người và sự tốt lành, kiên nhẫn, yêu thương của Thiên Chúa. Tội lỗi của con người đã giết người vô tội và giết Con Thiên Chúa.

Dụ ngôn này cho chúng ta biết sự từ chối mãi mãi của con người đối với màu nhiệm của Thiên Chúa.

Dụ ngôn này chỉ về chúng ta, những tá điền được Chúa yêu thương trao cho chúng ta quản lý vườn nho của Ngài là chính Nước Thiên Chúa, Nước mà mọi người chúng ta mơ ước. Nhưng chúng ta đã vô ơn phản lại chính tình yêu này, chúng ta đã xử tàn ác với các ngôn sứ của Chúa bằng cách không nghe, chối bỏ, khai trừ. Dụ ngôn đưa chúng ta đến chỗ phải lựa chọn. Lực chọn tin vào Ngài hay từ chối. Không tin tức là chống lại kế hoạch của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ bị Thiên Chúa lấy đi và ban cho người khác làm sinh hoa lợi.

Thiên Chúa vẫn âm thầm nói với chúng ta trong sâu thẳm lòng mình đó là tiếng nói thì thầm trong lương tâm của chúng ta, đó là lời mời gọi của những ngôn sứ Chúa gửi đến cho chúng ta, nhưng chúng ta có lắng nghe tiếng Con một của Ngài trong Lời của Ngài không? Nếu chúng ta khẳng khái từ chối, chúng ta chính là những tá điền bất lương đó. Và chúng ta phải chân thành thú nhận: Tá điền trong Tin Mừng hôm nay là chính tôi đó!

Nt. Maria Faustina Lý Thị Báu
daminhtamhiep.net

No comments:

Post a Comment