Monday, December 5, 2016

BĂNG QUA BÓNG TỐI (Ơn gọi của một linh mục bị mù)


ĐGM Hải Phòng và cha Dương trong Đại hội giới trẻ

Hồi tưởng lại khoảng thời gian khi đôi mắt vừa mất đi ánh sáng, linh mục Phêrô Phạm Văn Dương, dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời chỉ nhẹ tênh: “Quãng đó mình cũng bí thật, không đi lại, không ra ngoài được, làm gì cũng không xong. Người bạn duy nhất chính là chiếc radio... Nhưng mình vượt qua rất nhanh vì nghĩ không có nhiều thì giờ nên không thể dừng lại quá lâu. Trong bóng tối vẫn phải tiếp tục bước đi”.

Đường dài gian nan


- Ơn gọi đến với cha Dương bắt đầu từ năm 2001, lúc cha còn là sinh viên và tình nguyện sang Nga phục vụ cho giáo xứ có cộng đoàn người Việt. Giáo xứ này do các linh mục dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời coi sóc nằm ở Mátxcơva. Làm việc trong môi trường mới thuộc miền ôn đới, người tu sĩ trẻ không hay mình đã bị một loại virus cực hiếm âm thầm tấn công vào mô thần kinh mắt, khiến thị giác lúc mờ lúc tỏ. Tuy nhiên lúc ấy do chủ quan, cha nghĩ chắc không sao nên vẫn cứ hăng say làm việc. Tháng 5.2002, cha chuyển sang Pháp để tiếp tục hành trình ơn gọi. Thời gian này, vị tu sĩ nhận được chẩn đoán chính xác của các bác sĩ tại bệnh viện và bắt đầu điều trị mắt. Vừa đi học, cha vừa phải huy động sức mạnh tinh thần để chữa bệnh. Ba lần được mổ mắt không thành công, cha vẫn chưa thôi ôm ấp niềm hy vọng một ngày nào đó đôi mắt mình sẽ bình thường trở lại. Thế nhưng đến lần mổ thứ tư thì đôi mắt không còn nhìn thấy gì nữa. Dù có sự chuẩn bị từ trước nhưng đối với một người trước nay sáng mắt, giờ bỗng không thấy gì thì quả thật vô cùng khó khăn. Cha xin vào học ở một trung tâm phục hồi chức năng dành cho người khiếm thị ở ngoại ô Paris. Thế giới đầy sắc màu bên ngoài tưởng chừng đã khép lại hoàn toàn thì nay bỗng dưng biến đổi, trở nên diệu kỳ hơn bởi được cảm nhận một cách mộc mạc nhất từ con tim. Học ở đây, người tu sĩ biết được nhiều cảnh đời, có thêm bạn bè từ những tôn giáo khác cũng như chứng kiến nhiều mối tình cảm động. Ông nhận ra trong thế giới người mù có rất nhiều điều để khám phá, cũng phong phú sinh động và tươi đẹp lạ thường, để rồi bắt đầu các bài học cơ bản như di chuyển, cầm gậy, đi tàu điện, nấu ăn, giặt, ủi đồ... rồi đến học chữ nổi, tập dùng máy vi tính. Trải qua 5 tháng cố gắng, cha Dương hoàn thành tốt các bài học và có thể sống tự lập được. Khi khóa phục hồi chức năng kết thúc, cha vào Đại chủng viện Xuân Bích (Paris) tiếp tục 6 năm Triết và Thần học, rồi sau đó học chuyên về Thần học ở trường Đại học Công giáo Paris.

Nhớ lại suốt những năm học ấy, cha cho biết mình đã phải luôn cố gắng gấp đôi so với người bình thường vì trong lớp chỉ có mình cha là người khiếm thị. Từ nhà dòng đến chủng viện nếu người sáng chỉ mất 30 phút thì cha mất khoảng 45 phút di chuyển; đi tàu cũng phải cẩn thận dò bản đồ chữ nổi và chú ý đếm số ga đã đi qua để canh chừng mà xuống. Những bài vở mà các giáo sư đưa ra, cha đều phải chuyển sang chữ nổi hoặc đưa vào scan trên máy tính. Việc lật giở các trang sách chữ nổi cũng khá chật vật mới theo được các bạn trong lớp. Tuy vậy, nhờ có trí nhớ tốt, cha nắm bài cũng như ghi chép rất trôi chảy, vì thế môn nào cũng được xếp thứ hạng cao. Đối với một người khỏe mạnh thì việc học xong rồi chịu chức linh mục là một điều không khó. Thế nhưng với cha Dương thì đoạn đường này cũng đầy thử thách, song bằng niềm tin và nỗ lực, cha đã không chỉ hoàn thành chương trình học mà còn chứng tỏ được ơn gọi của mình.

Ánh sáng niềm tin


- Ngày 5.2.2012, cha Dương chịu chức phó tế và ngày 14.10.2012 lãnh tác vụ linh mục tại nhà thờ Thánh Hyppolyte (giáo xứ Thánh Hyppolyte cũng là nơi cha giúp việc trong thời gian còn tu học), do Đức cha Eric de Moulins-Beau-fort, Giám mục phụ tá giáo phận Paris truyền chức. Trở về Việt Nam sau đó, để thuận tiện hơn cho những nhiệm vụ mới, cha đã tìm đến Mái ấm Thiên Ân và mày mò học chữ nổi bằng tiếng Việt. Thánh lễ mở tay của cha Dương được cử hành tại nhà thờ Đa Minh Ba Chuông (TGP.TPHCM) vào chiều ngày 19.11.2012. Đó là một buổi lễ vô cùng đặc biệt, dành riêng cho các em khiếm thị trong một số mái ấm tại thành phố và tất cả các phần trong phụng vụ đều sử dụng chữ nổi.

- Cha được giao làm phụ tá giám tập cho dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời, phụ trách việc đồng hành về đời sống thiêng liêng và dạy học cho các tập sinh ở Bà Rịa. Được 3 năm, cha nhận bài sai về làm bề trên một cộng đoàn của dòng nằm ở Bình Thạnh (TPHCM). Hiện tại, cộng đoàn này có 10 thỉnh sinh và hai tu sĩ khấn trọn đời. Song song với công việc tại nhà dòng, cha cũng thường đi giảng tĩnh tâm và dâng lễ định kỳ tại một số giáo xứ và các mái ấm. Nhớ về những vụng về, sai sót trong những lần dâng lễ, vị linh mục cười vui kể lại: “Lúc đầu do chưa quen, lại không nhìn thấy, tôi hay vấp lỗi, chẳng hạn lên cung thánh thay vì đứng giữa thì chỉ đứng một bên bàn thờ… Lúc còn là phó tế, có lần đến lúc đọc Tin Mừng, tôi lại cầm sách đi liêng xiêng đến gần chỗ cây nến phục sinh và va phải. Cũng may khi đó có cậu giúp lễ chạy tới giúp, giáo dân ở dưới cũng được một phen hú vía”. Cha cười nhưng người nghe lại rưng rưng cảm động rồi cảm phục trước nghị lực phi thường của một vị mục tử trong việc thực thi trọn vẹn ơn gọi của mình.

- Nay, cha Dương đang là Chủ tịch Ủy ban Bác ái và Ủy ban Bảo trợ ơn gọi của nhà dòng. Cha thường xuyên cùng mọi người trong ban tổ chức mời các bác sĩ đi khám bệnh và phát thuốc miễn phí tại các tỉnh miền Tây, miền Trung cũng như vùng cao, một năm khoảng hai, ba chuyến. Mỗi lần, mọi người đều gắng huy động và chuẩn bị những phần quà để kết hợp trao cho những người khó khăn. Song song đó, cha cũng quan tâm đến chuyện học hành của con em các hộ nghèo, qua việc trợ giúp học bổng ở nhiều nơi. Ngài cùng ban bác ái, kết nối với cha xứ, các hội nhóm ở mỗi nơi, mỗi vùng để xin danh sách các em rồi giúp đỡ. Cái hay của quỹ học bổng này chính là việc theo sát các em trong suốt quãng đường học tập và khi em nào ra trường, sẽ liên lạc lại với nhà dòng để tiếp tục nuôi lớn chương trình bằng cách này hay cách khác.

- Ngoài ra, năm nào cha cũng tổ chức cho giáo dân những chuyến hành hương đến các linh địa để tĩnh tâm, cầu nguyện, mỗi năm có gần 1000 người tham dự. Cha còn thường xuyên đến bệnh viện ung bướu ban bí tích, sức dầu cho bệnh nhân cũng như an ủi thân nhân của họ.

- Không chỉ làm việc và sinh hoạt như một người bình thường, nơi vị mục tử khiếm thị này còn toát lên sự lạc quan và niềm yêu đời tha thiết. Sức mạnh tinh thần này dường như được truyền từ cảm nghiệm sâu sắc về cuộc đời trong một kỷ niệm khó quên cha đã từng trải qua: “Hồi còn ở Paris, có một đêm khuya tôi từ nơi làm việc đi đón tàu điện trở về nhà dòng. Lúc đó đường vắng, tôi đứng ở chỗ cột đèn giao thông rất lâu, chờ người tới để nhờ dẫn qua đường. Tôi định bụng chờ lát nếu không có ai thì liều đi đại nhưng thời may lúc sau lại có người. Khi tôi cất tiếng xin nhờ bám vào một bên cánh tay để qua đường thì người đó im lặng vài giây rồi nói: ‘ông muốn nhờ cánh tay tôi thì phải đổi sang bên khác vì tôi chỉ còn có mỗi cánh tay thôi!’. Đối với tôi, đêm đó là đêm nhớ nhất trong đời, bởi đêm dù đen tối nhưng vẫn có thể bừng sáng nhờ lòng người. Tôi nhận ra, khi người ta tin tưởng, giúp đỡ và yêu thương nhau thì mọi gánh nặng đều có thể vơi đi”.

THIÊN LÝ

No comments:

Post a Comment