Tuesday, February 6, 2018

Suy Niệm Lời Chúa - 2018

Mátthêu/Matthew 5:8

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Blessed are the clean of heart, for they will see God.


Thấy được Thiên Chúa là được ở trong sự hiện diện của Ngài, được chứng kiến vinh quang và sự thánh thiện của Ngài, được bao phủ bằng ân sủng tuyệt diệu của Ngài, và được chứng kiến quyền năng và sự chữa lành của Ngài.
Phúc thay cho người có ước vọng trong trắng, vì họ sẽ được thấy mặt Thiên Chúa. Người ấy làm việc vì ý tinh tuyền để mang vinh quang cho Chúa, để mở rộng Nước Trời, để nên lợi ích cho tha nhân, chứ không “mượn đầu heo nấu cháo,” chứ không trước mặt tử tế nhưng sau lưng đầy gươm dao, v.v. Người ấy không tính toán, mưu lược với Thiên Chúa hoặc tha nhân để đạt được điều họ mong muốn. Họ đến với Chúa và ca tụng Ngài vì Ngài là Thiên Chúa đầy lòng nhân từ và công chính, vì Ngài là Đấng oai hùng, Đấng Chân Thiện Mỹ đáng được ngợi khen, chứ không phải họ đến chúc tụng Ngài để Ngài ban cho họ điều họ muốn, và điều đó không phải là chính bản thân Ngài.

Thánh Vịnh 24:4 định nghĩa người có sự trong sạch “là kẻ tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối,” và Thánh Vịnh 1:1 nói tới “người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng.” Ta hãy học theo Lời Chúa để nên trong sạch. Thánh Giacôbê dạy (Gc 4:8) hãy “hãy rửa tay cho sạch; hỡi kẻ hai lòng, hãy tẩy luyện tâm can,” nên ta đừng làm những việc lỗi đức công bằng, lỗi đức ái, lỗi đức trong sạch nữa; hãy đừng trước vậy sau khác, nói lời hai ý ngọt ngào nhưng lại có nọc độc. Giacôbê dạy thêm là đừng nói xấu và xét đoán (Gc 4:11). Để có lòng trong sạch, ta hãy xin Chúa ban cho ta ơn này, vì mọi ơn lành đều phát xuất từ Thiên Chúa.

Châm Ngôn 4:23 nói “Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát sinh.” Lời Chúa bằng tiếng Anh dùng “sources” cho chữ “phát sinh” này, nên ta có thể nói nơi tim ta là mạch, là nguồn gốc của sự sống. Vậy nếu tâm ta ao ước sự gian tà hay không trong sạch, để rồi đưa đến trí ta toan tính sao cho đạt được điều ước mong đó, thì nó sẽ dẫn ta tới những hành động không trong lành thánh đức. Vì thế, hãy giữ lòng sao cho trong sạch, để tất cả những suy tính và hành động của ta không bị “nhiễm” và trở nên ô uế trước mặt Thiên Chúa. Hãy sống cho tinh tuyền để ta được ỏ trong sự hiện diện của Chúa chúng ta, và sau này hằng được ở trong Vương Quốc huyền diệu của Ngài!

---------------------------------------------------------------------------------------------------

Mátthêu/Matthew 5:7 11/21/18

Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Blessed are the merciful, for they will be shown mercy.

Phúc thay cho người có lòng thương cảm, biết nhìn kẻ khác bằng cặp mắt của người ta, nghĩ bằng tư tưởng của người ta, cảm nhận bằng trái tim của người ta, và làm những điều mình muốn người khác làm cho mình, vì họ sẽ được lãnh nhận sự thương xót từ Thiên Chúa.

Hạnh phúc thay người biết can đảm đứng lên để bênh vực những ai bị đối xử bất công, bị bỏ vạ cáo gian, bị ăn quỵt ăn chặn, và lắm khi đã mang “vạ vào thân” vì công việc công chính xót thương của họ, vì chính Con Người sẽ đứng lên làm trạng sư cho họ trước tòa Chúa Cha trong ngày Phán Xét.

Hạnh phúc thay ai biết nhớ tới các linh hồn nơi luyện tội, nơi các ngài đang xé lòng và đang chọn lựa để được thanh tẩy hoàn toàn, hầu họ mau được thấy Đấng Cựu Thánh. Tuyệt vời thay cho các người đã biết hy sinh, dành dụm để xin lễ, để dâng lên Chúa Cha những lao cực nghịch ý của cuộc sống, hầu mong cứu các linh hồn nơi luyện tội.

Người Samari trong Luca 10 đã cho chúng ta bài học quý giá của sự thương xót. Lòng thương xót là cá tính của Thiên Chúa. Chúa đã xót thương tới người phản bội Chúa như Phêrô, và trong Phúc Âm đã nói tới điều Chúa Giêsu chạnh lòng thương – Chúa chạnh lòng thương và đã chữa lành, giải thoát nhiều người.

Lòng xót thương cần có trái tim hiền từ chứa đầy thương cảm và hạnh động mang tới lợi ích cho người khác. Đây là điều Chúa muốn chúng ta thực thi. Mong sao chúng ta không chỉ nói lời đầu môi chót lưỡi nhưng phải có các hành động tốt lành để chứng minh sự thương xót đó.

---------------------------------------------------------------------------------------------------

Mátthêu/Matthew 5:6 11/15/18

Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

Blessed are they who hunger and thirst for righteousness, for they will be satisfied
.

Phúc thay cho người khao khát sự công chính như người đang đói gặp thức ăn, đang khát gặp nước uống trong lành, vì người đó sẽ được Thiên Chúa cho được như điều mình mong ước.

Người công chính thì tư tưởng, hành động của họ đều thánh thiện. Điều họ nghĩ trong lành, mang vinh quang cho Thiên Chúa, mang lợi ích cho tha nhân. Dù sự nói dối nhỏ nhoi không hại, dù ý tưởng có chiều hướng xét đoán họ cũng không đồng ý, v.v.

Người không thức ăn, đặc biệt không nước uống, sẽ không sống được lâu, và Lời Chúa hôm nay thúc đẩy ta phải suy nghĩ lại, phải dò lòng coi ta thật đã khao khát sự công chính tới mức nào. Có lẽ ai cũng mong mình là người tốt, làm việc tốt, nhưng khi gặp khó khăn, khi danh dự bị bôi nhọ, khi lòng chạnh đau vì cần phương tiện để giúp người thân, khi tột đỉnh muốn một vật hay một người nào đó, v.v., thì liệu ta còn giữ được sự công chính nơi ta không?

Sự công chính sẽ là thước đo và đòi hỏi những lúc ta sẽ nghịch lại ý bề trên, khước từ lời ngỏ của người yêu, từ chối lời mời của người thân, cắt đứt mối liên hệ với bạn bè, tránh xa những người mang tới sự cám dỗ. Chỉ có sức mạnh của Thánh Thần Chúa mới cho ta được mạnh mẽ, can đảm để chọn những gì làm đẹp lòng Ngài; chỉ khi ta mong ước hết lòng thì ta mới được thỏa dạ đầy sức mà bước đi trong sự công chính của Thiên Chúa.

Dù có là thân tội nhân, dù cứ bước một bước rồi lại té, nhưng sự kiên trung vực dậy, kiên trì nài xin và tâm ý khao khát trọn lành của linh hồn đó sẽ đón nhận được thần lực và thánh sủng của Chúa làm thành đôi cánh giúp họ vút lên tới tầng trời thứ ba.

Ôi hạnh phúc thay ai hằng ao ước sự công chính trọn vẹn, như người đói khát gần quỵ ngã ngả gục, vì phúc phần của họ là được no thỏa dòng nước Thánh Thần tinh khiết, và nước ấy sẽ tuôn ra nơi chính cung lòng họ, đồng thời làm tươi mát những ai tiếp cận với họ..

Xin Thánh Cả Giuse là đấng công chính hãy cầu bầu cho chúng con luôn có tâm hồn và luôn sống công chính giống ngài. Amen.

--------------------------------------------------------------------------------------------

Mátthêu/Matthew 5:5 11/04/18

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Blessed are they who mourn, for they will be comforted.


Vui mừng thay ai sầu khổ và than khóc vì loài người đã ngoảnh mặt đi với tình thương của Thiên Chúa, vì loài người đã khước từ sự hiện diện của Ngài, đã không kiếm tìm Ngài, đã thờ ơ với những ân sủng của Ngài, đã chẳng yêu mến Mẹ Ngài hay Mẹ Giáo Hội, đã dùng những món quà, tài năng Ngài ban để làm điều bất chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa ở cùng ủi an, làm cho lòng họ đầy hoan lạc.
Hạnh phúc thay ai buồn vì những sự đau khổ nơi thế gian, đã “khóc với người khóc”, đã biết cảm thông chia sẻ những nỗi niềm của người nghèo khổ, bị bách hại, bị đau bệnh, bị mất mát tổn thương, vì họ sẽ được Thiên Chúa ở cùng ủi an, làm cho lòng họ đầy hoan hỷ.

Hạnh phúc thay ai đau buồn vì tội lỗi của mình vì đã xúc phạm tới Đấng Cựu Thánh, đã làm phiền lòng Chúa Thánh Thần, đã chẳng trân quý Máu Châu Báu Chúa Giêsu đã đổ ra, nhưng giờ họ phủ phục trước lòng nhân từ của Chúa Giêsu thống hối ăn năn như người đàn bà trong Thánh Kinh đã lấy nước mắt mà tưới ướt chân Ngài, lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Ngài và lấy dầu thơm mà đổ lên, như người thu thuế đứng xa nơi đền thờ chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa van xin Thiên Chúa thương xót, vì sự đau buồn của họ sẽ được biến thành niềm vui.

------------------------------------------------------------------------------------------

Mátthêu/Matthew 5:4 10/31/18

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Blessed are the meek, for they will inherit the land.


Hạnh phúc thay người luôn khiêm nhường và hòa nhã với mọi người, vì họ sẽ được thừa hưởng và cai quản thửa ruộng Chúa Trời, nơi tràn trề sữa và mật ong ngọt lịm, nơi sẽ là đất tốt sinh bao hoa trái thánh thiện, trổ sinh lúa mạch được gấp trăm cho Vương Quốc của Đức Chúa. Thửa ruộng đó, hay chính cung lòng tốt lành của họ, có chứa kho tàng quý báu, nơi cất trữ hạt ngọc đẹp; nơi từ hạt cải nhỏ trở thành cây lớn nhất, là nơi nương tựa cho bao người. Họ để tâm chú ý, ân cần và tử tế với “mẹ góa con côi, những người bị áp bức, đói, khát, là khách lạ, hoặc bị trần truồng, đau yếu hay ngồi tù.”
Người hiền lành là người nhân từ, tha thứ và luôn bao dung với mọi người; họ để tâm tới những người bị bỏ rơi, bị khinh miệt. Người ấy tử tế, nhẫn nhục, không gây hại cho bất kì ai. Người ấy có tâm tình của Chúa Giêsu, như được Thánh Phêrô thuật lại “Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình (1 Pr 2:23), và như trong Isaia “Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi” (Is 42:3).

Người hiền lành lnhư hoa thơm tích trữ nhụy đầy mật ngọt, họ thu hút được bao người chung quanh vì nhân đức tốt lành của họ.

Lạy Chúa Giêsu là Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, xin hãy biết lòng con cằng ngày cằng nên giống Chúa hơn. Amen.

---------------------------------------------------------------------------------------------------

Mátthêu/Matthew 5:3 10/27/18

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Blessed are the poor in spirit, for theirs is the kingdom of heaven.


Trong Mátthêu chương 5, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của Ngài trên núi về các mối phúc thật, những chìa khóa để được hạnh phúc, để được sự sống viên mãn. Trong thời gian tới đây, chúng ta hãy cùng nhau gẫm về các điều Ngài chỉ dạy nhé.

Nước Trời là gì? Con xin nêu đây một số điều Thánh Kinh nói về Nước Trời nhé. Nước Trời “là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14:17), là nơi Thiên Chúa sẽ cư ngụ cùng với dân Ngài. “Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất" (Kh 21:3-4).

Hạnh phúc thay người có tinh thần/thái độ nghèo khó, khiêm tốn, tự nhận biết mình rất nghèo hèn và nhỏ bé hoàn toàn nương tựa vào Chúa, thì niềm hoan lạc của họ được trọn vẹn, họ được Nước Vĩnh Cửu là của riêng, nơi họ cư ngụ có sự hiện diện của Đấng Chí Tôn Cực Thánh. Chúa Giêsu là thân phận Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ hết mọi vinh quang để mặc lấy thân phận khó nghèo của con người, và từng đường đi lối bước của Ngài đều tựa vào Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn. Trong sa mạc sau khi đã ăn chay 40 ngày, với sức con người đã mỏi mệt, thì Satan tới cám dỗ Chúa Giêsu. Trong cuộc sống ta cũng vậy, khi ta bị kiệt quệ thì lúc đó Satan thường xuất hiện để mong đánh quỵ ta. Như Chúa Giêsu, ta không dựa vào sức mỏng moi của con người, nhưng khiêm nhường nhỏ bé cậy vào quyền năng Thánh Thần mà thắng Satan, mà vượt qua các thử thách, cám dỗ, mà làm những điều sinh lợi cho Nước Chúa và cho tha nhân.

Tâm tình ta nên có là tâm tình của một em bé, hoàn toàn dựa vào sự nuôi dưỡng, chăm nom, và bảo vệ của cha em. Sự thật là không có Chúa ta không thể làm gì được, và mọi sự tốt lành đều là ơn Chúa ban. Ta hãy coi mình như bào thai trong cung lòng Thiên Chúa mà hấp thụ lấy những gì tinh tế nhất của Ngài, đặc biệt qua Lời Ngài, qua Thánh Thể Ngài, và qua quyền năng và sự hướng dẫn của Thánh Thần Ngài.

Chúc tụng Chúa đã cho chúng chìa khóa là hãy “sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3:5), “trở lại mà nên như trẻ nhỏ” (Mt 18:3), và thi hành ý muốn của Chúa Cha thì sẽ được vào Nước Trời (Mt 7:21).

--------------------------------------------------------------------------------------------------

Luca /Luke 1:46 10/7/18

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa.”

And Mary said: “My soul proclaims the greatness of the Lord


Mẹ Maria là tông đồ đầu tiên, tông đồ nhiệt thành của Chúa Giêsu Kitô. Mẹ đã mang Chúa tới cho nhân loại qua đời sống của Mẹ. Chúng ta cùng suy một số điều Mẹ đã làm nhé.


Bằng vâng lời – Mẹ vui tươi mau mắn chấp nhận thánh ý Chúa dù không hiểu, dù bị đao đâm thấu qua lòng. Mẹ vâng ý Chúa cưu mang Thiên Chúa Làm Người, tuân theo luật Môsê dâng con nhỏ tại Đền Thờ, cắt bì và mang hiến lễ theo luật. Tuyệt vời nhất là Mẹ đã vâng lời dâng Con Một lên Chúa Cha qua cái chết đau đớn nhục nhã của Ngài, chỉ vì yêu nhân loại. Ta hãy học theo Mẹ luôn biết vâng lời và mau mắn thực thi thánh ý Chúa, mau theo sự hướng dẫn của Thánh Linh để mang Chúa đến cho gia đình, cho cộng đồng, và cho mọi người mọi nơi trên thế giới.

Bằng hành động – sau khi được sứ thần truyền tin cho Mẹ, Mẹ đã mau chóng lên đường để đi giúp chị họ mình. Có lẽ thai nghén cũng làm Mẹ khó chịu, nhưng Mẹ không ngại đường xa đi giúp người khác khi họ cần. Qua cách hành xử của chúng ta, chúng ta cũng có thể tập sống giống Mẹ Maria để mang Chúa tới cho những ai bị khó khăn trong cuộc sống.


Bằng sự hiện diện – mẹ có mặt khi chị họ cần, mẹ hiện diện trong hành trình rao giảng của Chúa Giêsu, Mẹ hiện diện trong cuộc tử nạn đau thương của Chúa, Mẹ hiện diện trong tiệc cưới Cana, Mẹ có mặt cầu nguyện với các tông đồ trước và trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Mẹ vẫn còn đồng hành với chúng ta qua các cuộc hiện ra các nơi trên thế giới để mang sự chữa lành, mang lời ủi an, mang thông điệp thống hối ăn năn tới cho con cái Mẹ. Mẹ vẫn âm thầm đồng hành và cầu bầu cho chúng ta mỗi ngày. Ta hãy học theo Mẹ đặt người khác trước và ra tay giúp đỡ khi họ cần, dù chỉ là ánh mắt cảm thông, một cái bóp tay nhẹ, một cái ôm, một cú điện thoại hỏi thăm, một bữa ăn. Đối với người đang vui có lẽ không là chi cả, nhưng đối với người đang sầu khổ có lẽ sẽ giúp họ chọn đường sống, chọn không bỏ cuộc, chọn không tuyệt vọng nhưng tiếp tục phấn đấu.


Bằng lời chúc tụng – Mẹ với tấm lòng khiêm nhường và tri ân đã tấu lên bài Magnificat tuyệt diệu để tán dương Chúa. Maria (Miriam) trong Cựu Ước tán tạ Chúa sau khi dân Israen thoát khỏi dân Ai Cập, Hannah cảm tạ Chúa sau khi sinh con trai, nhưng Mẹ chúng ta đã tán dương Chúa trước khi thấy ơn cứu độ, trước khi thấy con sinh ra. Có lẽ Chúa Giêsu khi nhỏ đã học được nhân đức này của Mẹ, nên khi dâng lời lên Chúa Cha Ngài đã thường cảm ơn Cha trước khi thấy điều Ngài xin được thành sự. Ta cũng hãy học theo gương Mẹ mà tán dương Chúa trong mọi hoàn cảnh, cảm tạ Ngài trước khi ta nhận được điều ta xin.


Bằng lời cầu nguyện – Mẹ cầu bầu cho có thêm rượu trong tiệc cưới. Mẹ tín thác vào cách và giờ của Chúa. Mẹ nêu nhu cầu nhưng không chỉ cách hay đòi hỏi Con Mẹ phải làm như thế nào. Ta cũng hãy học theo gương Mẹ để tín thác vào sự quan phòng của Chúa, và kết hợp với Mẹ trong lời cầu nguyện để dâng lên Chúa thế giới, Giáo Hội, và những người thân thương của ta.


Bằng sự thinh lặng – Mẹ âm thầm chấp nhận những khó khăn trong đời sống, và một số điều Mẹ chịu chúng ta có thể gẫm qua Bảy Sự Thương Khó của Mẹ. Mẹ thinh lặng khi đồng hành với con trong sứ vụ rao giảng công cộng của Ngài. Mẹ thinh lặng nhìn con bị hành hạ trong cuộc tử nạn. Sự lặng thinh của Mẹ nói lên sự chấp nhận thánh ý Chúa, nói lên sự can đảm, nói lên lòng yêu thương nhân loại, nói lên sự tín thác hoàn toàn vào tình yêu và ý tuyệt hỏa của Chúa Cha. Ta hãy học theo gương Mẹ biết thinh lặng khi gặp gian nan đau khổ, khi bị bỏ vạ cáo gian, bị hành hạ, bắt bớ vì danh Chúa. Trong thinh lặng ta có thể cùng hiệp đau khổ của ta với khốn khổ nhục nhã của Chúa Kitô chịu đóng đinh và Mẹ Sầu bi, hầu cầu ngược lại cho những người đối xử không tốt với ta.


Bằng gẫm suy Lời Chúa – Mẹ gẫm lại những chuyện xảy ra. Mẹ biết, gẫm, và sống Lời Chúa nên đã được Chúa Giêsu tán dương vì Mẹ đã nghe và mang Lời ra thực hành. Ta cũng hãy để Lời Chúa thấm vào tâm trí ta, và được tỏa ra nơi hành động mỗi ngày.


Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của con, xin hãy dạy con đường khiêm nhường tri ân của Mẹ, hầu con luôn tán tạ Chúa qua lời cầu nguyện, qua ý hướng và hành động của con.


Xin Chúa Giêsu giúp con yêu Mẹ bằng trái tim Chúa, và cho con biết trân quý Mẹ như Chúa luôn mến yêu ngài. Amen.

------------------------------------------------------------------------------------------------------

Gioan/John 6:18-20 4/11/18-4/18/18

Biển động, vì gió thổi mạnh. Khi đã chèo được chừng năm hoặc sáu cây số, các ông thấy Đức Giê-su đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Các ông hoảng sợ. Nhưng Người bảo các ông: "Thầy đây mà, đừng sợ! "

The sea was stirred up because a strong wind was blowing. When they had rowed about three or four miles, they saw Jesus walking on the sea and coming near the boat, and they began to be afraid. But he said to them, “It is I. Do not be afraid.”


Biển đời của ta có những lúc bị gió thổi mạnh bởi những thử thách công việc, chuyện gia đình, chuyện tình cảm, hay có những giông tố của tài chánh, các bệnh tật, chia ly, chết chóc, v.v., làm lòng ta xôn sao, sợ sệt, mất hết sức, mất hết tinh thần, lắm khi mất luôn niềm hy vọng và niềm tin. Qua Lời Chúa suy gẫm tuần này, ta thấy rằng dù không thấy Chúa trong thuyền khi biển đời gió động lay mạnh, nhưng ta biết rằng ta có Chúa kề bên, dù ta chưa thấy Ngài.

Việc Chúa Giêsu bước đi trên nước cho ta thấy thiên tính của Ngài, Đấng có quyền trên mọi sự mọi vật, trên những gì Ngài đã dựng nên. Dù ta chưa thấy Ngài khi giông tố muốn nhận chìm ta, nhưng ta hãy nhớ Lời Ngài hôm nay, hãy nhớ tới câu chuyện Chúa ngủ khi các tông đồ cảm thấy thuyền gần đắm chìm, để biết rằng Chúa chỉ phán một lời thì bão tố sóng mạnh của cuộc đời chẳng làm gì được ta; Ngài nói im là chúng đều phải im hết.

Dù ta có thấy Chúa ở trên thuyền đời hay không, thì sự thật Ngài vẫn hiện diện và giúp đỡ ta. Chúa thường nói là “đừng sợ” và chỉ cần tin mà thôi. Vậy, ta hãy xin Ngài ân sủng để được vững trong niềm tin mà luôn tín thác vào sự quan phòng của Chúa trong mọi nơi mọi lúc.

----------------------------------------------------------------------------------------------

Gioan/John 19:34 4/4/18-4/11/18

Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.

One soldier thrust his lance into his side, and immediately blood and water flowed ou.



Một người lính đã xúc phạm tới Chúa Giêsu, đã đâm vào thể xác Ngài nên máu và nước chảy ra, và rồi người đó đã được chữa lành đôi mắt bị yếu. Viên đại đội trưởng Longinô (Longinus) đã chứng kiến được lòng nhân từ của Vua Trời Đất. Anh đối xử với Ngài bằng sự tàn bạo, nhưng Ngài đáp lại với anh bằng lòng nhân từ thương xót. Qua sự dụi mắt thấy sáng trở lại, qua sự đất trời rung động đã đập tan một cái gì đó trong cõi lòng chai đá của anh, đã đập tan vết màng che mắt tâm linh của anh. Anh đã tin người vừa chết nhục nhã đó là Con Thiên Chúa; anh đã trở lại đạo và sau đó tử đạo để đáp lại ân tình Đấng đã chữa lành mắt thể xác lẫn mắt tâm linh của anh; Đấng đã chết để cho anh được sống đời đời.

Còn ta thì sao? Khi người khác đâm ta thì nước gì đã chảy ra từ lòng ta? Thường thì là nước đắng, nước mắt, nước rẽ làm đôi - đường người người đi, đường ta ta đi! Vậy ta phải làm gì khi tim ta bị đâm, ta phải làm gì khi chính ta là người đâm tim kẻ khác? Liệu nơi tim ta có chảy ra được nước tha thứ bao dung không? Liệu mắt ta có sáng ra để nhận ra rằng người ta đâm là người vô tội hay người thương yêu ta hết lòng không?

Ôi máu và nước hằng sống nơi cung lòng của Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin hãy chảy vào tim con để chữa lành và lấp đầy những chỗ đã bị người khác đâm. Xin hãy chảy tới mắt con để chữa lành sự mù lòa của linh hồn, để chữa lành sự tăm tối không nhận ra đâu là thiệt, đâu là giả, đâu là đường phải đi, đâu là thánh ý của Ngài của con. Xin qua sự chết của Ngài làm cho con được sống, và sống dồi dào trong lòng lân tuất của Ngài. Amen.

----------------------------------------------------------------------------------------------------

Gioan/John 15:13 3/28/18-4/4/18

Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.
No one has greater love than this, to lay down one’s life for one’s friends.


Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng; Ngài có thể dùng bất cứ cách nào, hoặc chỉ phán một lời là chúng ta đã được sạch mọi tội rồi, nhưng Ba Ngôi Thiên Chúa đã chọn cách khôn ngoan nhất để bày tỏ tình yêu Ngài, để dạy chúng ta về sự công chính và tình yêu hoàn hảo của Ngài, bằng cách sai Con Một của Ngài xuống thể làm người, chịu mọi cực hình và chết nhục nhã vì chúng ta.

Thật tuyệt thay khi có người hiểu và cảm thông cho ta vì họ đã trải qua những đau khổ và thử thách giống ta! Một người đã nếm mùi bị bỏ rơi, bị khước từ, bị phản bội, bị bỏ vạ cáo gian, bị chế diễu, bị hành hung thể xác lẫn tinh thần, và bị chết đau đớn nhục nhã trên cây thập tự như Chúa Giêsu thì chắc chắn sẽ có đầy lòng cảm thông và đầy tình yêu cho ta là những khách lữ lành trong thế gian đầy thử thách này. Chúa Giêsu hiểu chúng ta cảm nghĩ và trải qua điều gì, vì chính Ngài, dù không tì ố, nhưng đã trải qua hết để cứu chuộc chúng ta.

Chúng ta hãy cùng tán tụng và tạ ơn Chúa cho tình yêu tuyệt đối của Ngài. Hãy mời gọi mọi người tới dưới chân cây thánh giá để lãnh nhận hồng ân và sự tha thứ. Hãy để thánh giá nhắc nhở ta tới tình yêu vô ngần của Ngài. Ôi cây gỗ hồng phúc, gỗ đơn sơ âm thầm nhưng đã trở nên biểu tượng của tình yêu vĩ đại của Đấng Tối Cao! Thánh giá là dấu chỉ Chúa đã luôn chọn ta và luôn yêu ta. Adam thứ nhất đã mở cửa cho sự chết qua một cây sống; nhưng Adam thứ hai đã mở cửa cho sự sống qua một cây chết! Chúa Giêsu đã hy sinh chết đi để làm gương cho ta noi theo. Vậy chúng ta cũng hãy chết đi con người ích kỷ để dấn thân mang tới tình yêu chân thành tới cho người khác.

----------------------------------------------------------------------------------------------------

Máccô/Mark 15:13 3/21/18-3/28/18

Đóng đinh nó vào thập giá!

Crucify him!


Ta có lẽ sẽ nói có bao lần ta thấy Chúa đâu mà đóng đinh Ngài, nhưng còn đóng đinh Chúa trong anh chị em ta thì ta đã đóng đinh bao nhiêu lần? Ta đóng đinh Chúa của ta khi ta:
  • Nói hành nói xấu
  • Nói lời gian xảo
  • Nói lời hai ý
  • Nói lời tâng bốc
  • Đổ vạ cáo gian
  • Xét đoán, nhiều chuyện
  • Bạc tình, tuyệt tâm
  • Ích kỷ, lạnh nhạt
  • Ghen ghét, ghanh tị
  • Cư xử khắc khe
  • Lập bè, lập đảng
  • v.v.
Vậy giờ ta phải làm gì để đừng đóng đinh Chúa nữa? Ta phải làm gì để đáp lại lòng thương xót hải hà của Ngài?
-----------------------------------------------------------------------------------------------

Do Thái/Hebrews 5:1 3/14/28-3/21/18

Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội.

Every high priest is taken from among men and made their representative before God, to offer gifts and sacrifices for sins.


Trong dịp Lễ Truyền Dầu/Thứ Năm Tuần Thánh con muốn suy gẫm một chút về thiên chức linh mục. Thật là tuyệt vời thay những vị được Chúa nâng lên hàng tư tế. Các linh mục là quà tặng huyền nhiệm của Thiên Chúa cho chúng ta. Các ngài nhân danh Chúa Kitô / hành động trong Chúa Kitô (in persona Christi) để thi hành ba tác vụ giảng dạy (teaching), thánh hóa (sanctifying) và cai quản (governing) dân Chúa. Chúa Kitô hiện diện trong các ngài để ban ơn tha tội cho chúng ta, và qua các ngài, bánh và rượu được thánh hiến để trở nên sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa trong thiên tính, nhân tính, mình và máu. Qua các linh mục, chúng ta được vinh dự thừa hưởng bao nguồn ân sủng của Chúa Kitô qua các bí tích và những công việc tốt lành của các ngài.

Con mới được nhắc nhở sự quan trọng của vị linh mục trong thánh lễ qua câu đọc: “Xin Chúa nhận hy lễ bởi tay cha để ca tụng tôn vinh danh Chúa, và mưu ích cho chúng ta cùng toàn thể Hội Thánh Người.” Theo con thấy, vị linh mục của chúng ta khi đó đã giúp đất trời gắn liền; ngài thay chúng ta tới trước Thiên Toà để dâng lên Thiên Chúa Cha hy lễ tối cao, dâng lên Chúa Cha Con Một tinh tuyền tuyệt hảo của Ngài, dâng lên Chúa Cha những ước vọng lời cầu xin của chúng ta. Hạnh phúc thay cho chúng ta vì giữa chúng ta có những vị đại diện Vua Trời, đại diện Đấng vì chúng ta mà hy sinh mạng sống mình, để dẫn dắt chúng ta đường về Quê Trời và mở ban cho chúng ta nguồn ân sủng của Đấng Cực Thánh.

Con xin trong các kinh nguyện của mọi người, đặc biệt khi tham dự thánh lễ, hãy cùng con cầu cho các linh mục của Chúa luôn được thánh thiện (holy), hạnh phúc (happy), và khỏe mạnh (healthy), để ba phần hồn, tâm trí, và xác của các ngài luôn an lành tốt mạnh, hầu các ngài là những máng thông ơn mạnh mẽ và sạch sẽ của Thiên Chúa. Xin cho đôi tay thánh hiến của các ngài luôn trong sạch, và thân xác của các ngài luôn vẹn toàn. Xin cho các ngài mỗi khi đụng đến mình và máu của Đấng Tối Cao thì càng được trong sáng hơn, càng phản ảnh được vẻ đẹp hiền từ bao dung của Chúa Kitô hơn.

Con ao ước và xin Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cùng Cha Thánh Gioan Vianney luôn đồng hành và dẫn dắt các linh mục của Chúa trên đường rao giảng Tin Mừng, và cầu bầu cho các ngài luôn là những mục tử gương mẫu. Xin Trinh Nữ Maria luôn ấp ủ các ngài trong áo choàng vẹn sạch đầy yêu thương của Mẹ, và xin Thánh Cả Giuse luôn dẫn dắt các ngài trên con đường âm thầm, khiêm nhường, kiên cường và công chính! Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời qua các linh mục của Chúa!

----------------------------------------------------------------------------------------------------

Rôma/Romans 8:22 3/7/18-3/14/18 

Chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở.

We know that all creation is groaning in labor pains even until now
.

Chúng ta vẫn còn đang ở thế gian, một trần thế đầy gian tham, chứ chưa phải ở thế giới đầy sự lành thánh, nên chúng ta vẫn còn rên siết và quằn quại. Rên siết vì những sự thử thách và đau khổ của cuộc sống, quằn quại vì ta phải vật lộn giữa những dục vọng và ước vọng nên thánh. Quằn quại vì lòng ta hướng về Chúa nhưng tâm ta vẫn chưa ôm trọn Ngài vào; quằn quại vì ta thấy sự xấu xí của linh hồn khi nhìn lên Đấng Cực Thánh, khi nhìn thấy sự sa đoạ, tội lỗi, bạc tình, và độc ác của thế gian. Chúng ta cũng rên siết lên vì lòng ao ước gần bên Chúa mãi, mong được triền miên hưởng thánh nhan và không phải chứng kiến bệnh tật, chết chóc, chia ly, phản bội.

Dù khi ta còn ở trần thế trong rên siết và quằn quại của sự giằng co giữa những ao ước xác thịt và ao ước của Thần Khí, chúng ta có niềm hy vọng vào Đấng là đầu của ta đã đi trước ta, đã dọn sẵn chỗ cho ta nơi Thiên Quốc, ta chỉ cần tin và đón nhận ơn Cứu Độ của Ngài..

Trong niềm hân hoan mừng kính Chúa Kitô khải hoàn phục sinh, chúng ta hãy dọn mình bằng cách rên siết vì lỗi mình đã phạm, quay đầu lại với Chúa và hãy phục sinh vì Ngài, nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài để luôn sống trong vinh quang và tình yêu vô biên của Ngài.

-------------------------------------------------------------------------------------------------

Luca/Luke 16:10 2/7/18-2/14/18

Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.

The person who is trustworthy in very small matters is also trustworthy in great ones; and the person who is dishonest in very small matters is also dishonest in great ones.


Khi giao tiếp với người khác, có lẽ phần nhiều ta thấy người khéo léo cử xử, niềm nở thưa gởi thân thiện, nhưng nếu để ý một chút, ta sẽ thấy hành động lớn thì có vẻ “mát mắt” đấy, nhưng quan sát những hành động nhỏ nhoi, nhiều khi sẽ để lộ ra cá tánh con người thật của họ. Người chân tình yêu thương thì dù chuyện nhỏ họ cũng quan tâm đến sao cho người khác được lợi và không để họ tổn thương. Người ích kỷ thì từ miếng ăn, cục kẹo cũng sao chọn cho được cái tốt nhất về phần họ. Sự tín trung nơi họ cũng vậy, nó được tỏ lộ ra trong cách hành xử. Người tốt lành thì tôn trọng người khác, tôn trọng bản thân, coi nặng lời hứa và tình thân, nên cách cư xử của họ tinh tế - cách cư xử của họ chân tình, hy sinh, và luôn đặt người khác trước, luôn nhường người khác.

Có những công việc nhỏ nhoi nhưng khi làm với tấm lòng chân thành thì nó lại là “việc nhỏ, tim lớn.” Của cho không bằng cách cho; lắm khi ta cho nhiều, ta làm nhiều cho người khác nhưng sao vẫn không lấy được lòng họ, đặng lòng Chúa. Phải chăng là vì việc làm ta có dụng ý, việc ta làm là để được người chú ý, việc ta làm là theo ý ta muốn chứ không phải ý họ cần.

Từ những việc làm nhỏ bé, hèn mọn ta rèn luyện được hơn tâm tình yêu thương, tín trung của Chúa Giêsu – để càng trở nên giống Ngài hơn. Chính Chúa đã dạy ta gương phục vụ khiêm nhường của kẻ đầy tớ, để ta noi gương, khi Ngài phục vụ các tông đồ, khi Ngài dù mệt mỏi buồn phiền vẫn rao giảng Tin Mừng và “cho họ ăn.” Qua chính hành động của Ngài, các thánh cũng học theo bước đó, từ những chăm sóc một hai người bệnh, đến sự hy sinh bỏ mình hết vì tha nhân mà Chúa đã ban cho ân sủng và cung cấp phương tiện để các thánh đã có thể xây bao căn nhà, lập bao dòng tu mà chăm nom những người bị bỏ rơi, bệnh hoạn, nghèo khó, và thiếu ăn học. Hãy làm từ việc nhỏ nhất đến việc lớn nhất với hết cả tình yêu ta có trong tim ngay lúc đó, như vậy, ta sẽ được xứng đáng làm con Đấng Tối Cao; và tới thời tới lúc, Ngài sẽ nâng ta lên, nâng ta lên tới tận cung lòng thánh thiện của Ngài.

Hãy khởi đầu chặng đường nhân đức của ta bằng những việc là trách nhiệm của ta, hãy làm với hết cả sức lực, làm không nghĩ tới lấy lợi về mình, làm với hết cả tâm tình – làm để cho người được hạnh phúc, làm để cho Thiên Chúa mỉm cười. Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời (Col 3:23)!

---------------------------------------------------------------------------------------------------

Máccô/Mark 1:40 1/31/18 – 2/7/18

Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch."

A leper came to him, and kneeling down, begged him and said, “If you wish, you can make me clean.”


Có những lúc ta sẽ cảm thẩy như mình bị bệnh nặng lắm, bệnh thể xác, bệnh tinh thần, hay bệnh tâm linh, và ta cần được tới bác sĩ để chữa trị. Chúa Giêsu có thể chữa tất cả mọi bệnh tật cho ta, vậy ta hãy nên học tâm tinh của người bị phong hủi khi đến xin Ngài chữa lành. Người ấy đã làm ba điều sau đây dựa trên câu Lời Chúa tuần này:

Đến gặp – ta cũng hãy bước ra khỏi chỗ ta đang đứng để đi đến với Chúa Giêsu. Có những lúc Ngài đến tận nơi để chữa lành, như đã đến nhà mẹ vợ Phêrô hay tới nơi bé gái đã bị chết, nhưng có khi ta cần phải chủ động để tới gần Ngài. Hãy xin Ngài cho ta sức mạnh để đến với Ngài khi ta cần ơn thánh.


Quỳ xuống – một cử chỉ khiêm nhường, tôn kính với người có có địa vị, có chức, có quyền hơn mình. Ta biết rằng khi ta tới với Chúa Giêsu là chính khi ta tới với Vua Trời Đất, Đấng cầm quyền sinh tử, cai quản mọi vật, nhưng cũng là Đấng thầy thuốc có quyền, có cách chữa lành ta. Nên hãy mạnh dạn, như trong tư thế khiêm nhường, quỳ xuống trước nhan Ngài để xin Ngài chữa ta.

Van xin – ta tới với tâm tình khiêm hạ như người ăn mày, biết mình là người “đói rách,” cần gom nhặt và làm sao gợi lên được lòng thương cảm nơi người mình tới ăn xin; sẵn sang giơ tay ra nhận của bố thí nơi người trước mặt mình. Ta hãy tới với Chúa trong tâm tình khiêm hạ khó, với sự tín thác vào Đấng nhân từ cảm thông, và ta mở sẵn đôi tay trong niềm tin để đón nhận ân sủng mà Ngài đã cân, đã lắc, đã dằn cho đầy mà đổ vào vạt áo của ta.

Thiên Chúa của chúng ta luôn muốn chúng ta được lành để có đời sống sung túc, dồi dào hạnh phúc. Vậy ta hãy mạnh dạn tới Ngai ân sủng của Ngài để lãnh nhận ơn chữa lành khi cần.

------------------------------------------------------------------------------------------------

1 Côrintô / 1 Corinthians 9:22 1/24/18-1/31/18

Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người.

To the weak I became weak, to win over the weak. I have become all things to all, to save at least some.


Có ai có một hai nghiệm sau khi mình mới đi qua khóa tĩnh tâm hay được gặp Chúa Kitô một cách mật thiết đã hăng say chia sẻ với người thân, nhưng lại bị họ khước từ, cãi lại, chống đối, hoặc không tới lui với mình nữa không? Con từng nghe qua những kinh nghiệm rạn nứt, làm bực bội đau lòng cả người nghe lẫn người chia sẻ về Chúa. Khi ta xử sự thiếu kinh nghiệm hoặc thiếu khôn ngoan thì vậy đó. Như con đã từng chia sẻ, điều mình nói cần (1) đúng người, (2) đúng giờ, (3) đúng nơi, (4) đúng lời, (5) đúng cách, và đặc biệt là (6) đúng ý Chúa, thì mới có hiệu quả nhất. Lòng hăng say là tốt lành, nhưng không phải ý Chúa thì hoa quả chưa chắc đã được một trăm phần trăm đâu.

Câu Lời Chúa hôm nay Thánh Phaolô dạy ta nên “trở nên yếu…trở nên tất cả…” để cứu mọi người. Vậy phải chăng để chinh phục người khác về cho Chúa, thì ta đồng ý với lối sống tội lỗi của họ, họ nói những lời không thanh sạch ta cũng hùa theo, họ nói xấu người khác ta cũng chăm chú lắng nghe xong rồi mới nói về Chúa? Không phải vậy ạ. Theo con, Thánh Phaolô muốn chúng ta có tâm tình cảm thông, tâm tình hòa nhập với người khác trong phong tục, trong thói quen, tục quán, v.v., những lễ nghi không phản lại với luật “kính Chúa, yêu người” để chinh phục họ về cho Chúa. Phaolô đã lấy luật yêu thương của Chúa Giêsu Kitô là luật chính; Ngài hoà nhập phong tục của những người chưa nhận biết để mong mang họ về với Ngài. Thuở xưa Phaolô và các vị tông đồ đã quyết định để những người dân ngoại không phải cắt bì, một nghi thức của người Do Thái mà có lẽ là ách nặng cho những người muốn theo Chúa. Nhưng Phaolô vẫn giữ những nghi lễ và quy luật của người Do Thái hầu mang họ tới với Chúa Kitô. Phaolô, giống Chúa Giêsu, đã hoà đồng, đàm thoại, và ở giữa những người dân ngoại mà người Do Thái coi là ô uế, hạ đẳng. Phaolô không ngại hoà đồng với họ về cách ăn mặc, về thói quen, về lễ nghi, về kiêng cữ đồ ăn – Ông hãm mình không theo sở thích, theo ý riêng nhưng hoà đồng với người khác để đừng tổn thương họ, để đừng gây thêm những rạn nứt giữa hai dân tộc Do Thái và dân ngoại, hầu mong mang ơn cứu độ Chúa Kitô đến cho mọi người.

Ngày nay, Chúa Giêsu cũng gọi ta thương cảm và đến với những người nghèo, người cùi, những người bệnh nặng hay bị truyền nhiễm. Chúa gọi ta đến với những người theo các đạo khác, những người đang cương quyết sống trong đường lối của họ. Ta đến với họ bằng tâm tình nào? Ta bộc lộ tình thương bằng những hành động cụ thể hay chỉ là những lời dễ nghe nhưng không chút hành động? Ta khăng khăng giáo lý của ta và đạo của ta đúng chăng? Ta đến với những người tin vào Chúa Giêsu nhưng không tin vào các bí tích hay vào các thánh thông công, không tin vào giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo như thế nào?

Như ta thấy gương tốt lành của Thánh Marianne Cope đã quên mình phục vụ những người cùi bị bỏ rơi, như Mẹ Têrêsa Calcutta đã đến với muôn người nghèo, người bệnh hoại hôi thúi của các tôn giáo khác bằng đôi tay, nụ hôn, bằng hết con người của Mẹ, ta cũng hãy học gương các thánh để đến với người khác bằng tình yêu của Thiên Chúa, khởi đầu bằng cử chỉ yêu thương thân thiện, chứ đừng có thấy người ta vừa ho mấy cái trong Thánh Đường đã kéo bóp, nhích xa, đôi khi lại còn nhìn họ với ánh mắt khó chịu hay nói thẳng với họ điều nghịch ý ta. Đối với những người không cùng niềm tin Công Giáo, tốt nhất, hãy cùng hướng về những gì mang lại đức ái và sự tôn trọng nhau trước, những công việc mang lợi ích cho xã hội, cho người khác. Để khi ta có cùng một tâm tình hướng đến sự thật, hướng đến đức ái, thì ta sẽ dễ mà ngồi xuống để nói những điều về niềm tin, về thần học, về những tín điều mạc khải. Hãy học theo Phaolô sống khiêm nhường và tử tế giữa những người yếu hèn, dùng đức mến để kéo họ gần với Chúa hơn. Phaolô bỏ đi ý riêng, bỏ đi những gì mang lợi cho bản thân để có thể cứu các linh hồn. Đừng để danh vọng, tiền bạc, chức quyền làm ta không hạ xuống hay hoà đồng được với những người kém may mắn hơn ta.

Đối với người thân, đặc biệt gia đình bạn bè, ta phải cẩn thẩn để biết lắng nghe. Biết lý do của những suy nghĩ hay điều gì làm nên nền móng niềm tin kiên cố của họ. Biết cho họ có cơ hội để họ nói tại sao họ đang đi trên đường họ đi. Nếu ta lắng nghe rồi thì ta cũng cần có nền tảng niềm tin của ta để giải thích, để bảo vệ, để giúp họ hiểu biết hơn và nhìn chân lý từ khía cạnh của Giáo Hội ta. Nếu muốn chia sẻ với họ thì phải dò coi đó có phải là thời điểm thích hợp không, chứ đừng có thao thao bất tuyệt khi lòng họ đầy ắp lo lắng về tài chánh. hay về con cái, công việc. Khi lòng họ không ổn họ sẽ không đón nhận được những điều ta chia sẻ mà coi chừng họ còn thấy ta là người phiền hà, người cố chấp, người thiếu tế nhị, v.v., để rồi sau này ta muốn có cơ hội thứ hai, hay khi ta biết cách cư xử khéo léo hơn thì đã mất cơ hội rồi.

Tốt nhất là trong mọi việc hãy cầu nguyện để Chúa Thánh Thần hướng dẫn ta, hãy xin Ngài đổ mưa ân sủng tưới đẫm thửa ruộng linh hồn và trái tim những người ta muốn mang Tin Mừng tới, để chuẩn bị cho những hạt giống niềm tin ta sẽ gieo nơi lòng họ vào đúng giờ ấn định của Thánh Thần. Không có Chúa, ta chẳng làm gì được; không có Chúa, ta không đến được với ai trong tâm tình yêu thương, tôn trọng và cảm thông cả. Hãy bám chặt lấy Chúa, thì Ngài sẽ dẫn ta đi tới nơi, nói đúng điều Ngài muốn, và làm điều Ngài hài lòng.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------

1 Samuen/Samuel 3:9 1/10/18-1/18/18

Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe.

Speak, LORD, for your servant is listening.


Có một số người nghĩ rằng nghe tiếng Chúa thì phải “tune out” hết mọi sự, phải ở trong phòng thinh lặng và có tâm hồn thanh tịnh; nhưng sao nhiều người đã tập qua mà vẫn không nghe được tiếng Chúa? Nghe là nhận ra được thánh ý, tiếng nói, hay thông điệp mà mình biết đó là từ Chúa.

Theo con thấy, muốn nhận ra tiếng của ai thì phải có mối liên hệ với người đó. Người ta thường đàm thoại với thì ta sẽ dễ nhận ra được “chấm, phẩy” của cách nói chuyện hay viết văn của họ. Ví dụ, con có người bạn khi nói chuyện hay dòng chữ “ừ” và “ok” để đáp lại hay cho con biết họ đang lắng nghe câu chuyện của con. Vì nói chuyện nhiều và họ có những từ riêng hay dùng, nên nếu ai có giả tiếng họ mà cách nói chuyện không giống thì con sẽ biết ngay không phải người đó. Mối liên hệ của ta với Chúa cũng vậy, cần được vun đắp qua thời gian và những cuộc đàm thoại với Ngài – qua những lần ta nói với Ngài rồi lắng nghe, chứ không phải độc thoại và không nhường chỗ trống để Ngài trả lời.

Khi mới nghe tiếng Chúa thì ta có lẽ sẽ bị lầm vài lần như trẻ Samuen trong bài đọc một cuối tuần qua. Sự khiêm nhường và mau mắn đáp lời của Samuen đã dạy ta bài học rằng ta hãy làm hết sức đi, hãy đáp lại và nghe theo lời chỉ dẫn của người có kinh nghiệm trong mối liên hệ với Chúa hơn ta. Hãy tìm tới họ để học hỏi, để biết cách tới gần Chúa hơn. Lắm khi giờ của Chúa chưa tới vì như sách thứ nhất Samuen 3:9 nói, “vì lời Chúa chưa được mạc khải cho cậu.” Ta hãy kiên nhẫn, khiêm nhường đợi ý Ngài, chứ đừng hấp tấp mà đi trật đường. Khi con tìm ý Chúa để bắt đầu một công việc, thì con cứ đứng tại chỗ cho tới khi biết chắc là ý Ngài rồi con mới tẻ qua đường khác. Con phần nhiều tìm ý Ngài qua sự xác tín từ các linh mục hoặc những người thánh thiện đang có mối liên hệ mật thiết với Chúa.

Khi hỏi Chúa thì ta cũng cần phải tôn trọng ý Ngài và cách Ngài đáp lại lời ta; chứ đừng có khăng khăng đóng cho Chúa một cái khuôn bắt phải theo. Trong tuần qua, con có hỏi Chúa một điều và con muốn Chúa trả lời con ngay lập tức lúc đó, nhưng Ngài đã không làm vậy. Hôm sau nói chuyện với một chị bạn thánh thiện thì chính chị ấy đã vô tình cho con câu trả lời mà con biết chính Chúa dùng miệng chị để đáp lại điều con mong muốn. Chúa đáp lời con nhưng không chiều theo cách của con. Ngược lại cũng chính buổi nói chuyện đó con lại có câu trả lời cho thắc mắc trong lòng chị bạn; chị này xin Chúa cho giải đáp vấn đề, nhưng đã kiên nhẫn đợi Ngài trả lời và đã được toại nguyện. Con nhận ra, qua kinh nghiệm, rằng Chúa đã đối đáp với con qua người khác, qua bài hát, qua đoạn phim, qua bức tranh, qua thiên nhiên, qua Lời của Ngài, v.v.

Người có lòng ngay sẽ nhận ra tiếng Chúa dễ dàng hơn. Hãy đổ đi trong cõi lòng những cay đắng, giận dữ, lo âu, hận thù, ghen ghét, ganh tị, để tâm ta còn lại chỉ là những gì chân thật, chính trực, cao quý, đáng mến, đáng khen, v.v., hầu đôi mắt tâm hồn ta được mở ra to hơn và rõ hơn mà nhận ra đâu ý Chúa, đâu là tiếng Ngài.

Con cầu chúc mọi người trong năm mới này có được mối liên hệ mật thiết hơn với Chúa Giêsu Kitô và nghe rõ tiếng Ngài hơn!

---------------------------------------------------------------------------------------------------

Mátthêu/Matthew 2:9 1/3/18-1/10/18

Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại.





The star that they had seen at its rising preceded them, until it came and stopped over the place where the child was.

Chúng ta mới mừng Lễ Hiển Linh, nên con muốn gẫm chút về sự tìm kiến Thiên Chúa mới sinh ra làm người. Các nhà chiêm tinh, còn được nhắc tới là ba vua, có lẽ là những người quý tộc giàu có (dựa trên những món quà các ngài mang tới dâng Chúa Hài Đồng), nhưng đã khiêm hạ đi theo sao trời tìm đến một bé sơ sinh nghèo mọn; thật tuyệt quá. Theo con nghĩ các nhà chiêm tinh đã tìm thấy Con Thiên Chúa Làm Người vì các Ngài đã:



  • hết lòng dạ tìm kiếm Chúa nên Ngài đã cho gặp
  • can đảm không màng đường xa xôi, khó khăn, đồng thời có cơ hội bị Vua Hêrôđê tiêu diệt
  • có học hỏi, suy gẫm nên biết từ sách các ngôn sứ tiên báo rằng Thiên Chúa Làm Người sẽ sinh ra ở Bêlem
  • biết tìm ý Chúa qua các tạo vật của Ngài – đã nhìn ngắm sao trời mà nhận ra tiếng gọi của Chúa để tìm tới Ngài. Phải chăng ngôi sao đây cũng là biểu tượng hay có sự hiện diện của một sứ thần của Thiên Chúa dẫn dắt các vua, vì trong Khải Huyền nhắc tới một số thiên sứ là “một phần ba các ngôi sao trên trời” (Kh 12:4)
  • có lòng ngay nên đã được sự soi sáng của Thiên Chúa mà dâng tặng Ngôi Lời Nhập Thể các món quà liên quan tới những sứ vụ của Chúa Giêsu: vàng cho vaa, nhũ hương cho tư tế, và mộc dược cho sự chết cứu chuộc
  • có trong sạch nên tìm được và nhận ra Thiên Chúa Làm Người trong thân xác một em bé nghèo hèn và đang ở nơi có lẽ hôi thúi và lạnh nhất vùng đó
  • có tâm hồn khiêm nhường, vì khi gặp Chúa họ đã nhận ra Ngài là ai mà bái quỳ
  • có tâm hồn vâng phục, vì khi được báo trong mộng đừng gặp Hêrôđê nữa, các ngài đã đi lối khác về nhà mình

Ta hãy học sao cho được tâm tình của các nhà chiêm tinh, chứ đừng có lòng như Hêrôđê:


  • chỉ biết tới bản thân
  • mong sao giữ được vương quyền
  • tuy “triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại” và đã biết Lời tiên báo về Chúa Cứu Thế, nhưng lòng ông chai đá vẫn chọn không theo, không tòng
  • lắt léo, nói lời không thật để dụ các chiêm tinh cho mình biết tin tức mà tới tiêu diệt Chúa
  • ghanh tị, giận dữ, độc ác, bạo tàn - sợ Vua mới sinh ra sẽ lấn chỗ của mình nên đã không có chút thương xót mà giết hại biết bao nhiêu hài nhi - là thần dân của ông

Khi lòng ta không ngay, chứa đầy sự yêu bản thân mình và đầy ganh tị, thì ta khó mà nhận ra đâu là những dấu chỉ hay đường tới gần Chúa hoặc gặp được Ngài. Chỉ khi ta có lòng ngay, có lòng đơn sơ khiêm hạ kiếm tìm thì ta sẽ gặp được Thiên Chúa, dù Ngài có “ẩn trốn” trong một người nghèo nàn nhỏ bé hay ở nơi bình thường, hẻo lánh nhất.

No comments:

Post a Comment